Nhập nhằng bảo hiểm xe máy
BaoHiemXeMay.Net – Người mua bảo hiểm xe máy thường nghĩ đơn giản là bỏ ra vài chục ngàn đồng cho xong chuyện, tránh phiền phức. Người bán cũng chủ yếu sao chỉ lấy được tiền là xong.
Theo số liệu thống kê của Phòng Vận tải Công nghiệp (Sở GTVT TPHCM), tính đến cuối tháng 5-2008, tổng số xe gắn máy của người dân TPHCM đã lên hơn 3,5 triệu chiếc (tăng 8,5% so với thời điểm đầu năm).
Với mỗi xe phải mua bảo hiểm ít nhất là 60.000 đồng, thì số tiền thu vào hằng năm của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm là không nhỏ. Nhưng để lấy được tiền bồi thường từ DN bảo hiểm cũng lắm nhiêu khê.
Bởi chẳng may xảy ra tai nạn, khách hàng mua bảo hiểm và người thứ 3 được bồi thường lại rơi vào “lỗ hổng” của luật và thái độ “lập lờ” từ phía các DN kinh doanh bảo hiểm đã kéo dài từ nhiều năm nay.
Quy định “vênh” với thực tiễn
Luật quy định xe máy lưu thông phải mua bảo hiểm để các DN bảo hiểm chia sẻ rủi ro lỡ xảy ra sự cố nhưng lại không rạch ròi trong vấn đề bồi thường. Do vậy, sau 5 năm áp dụng luật, chẳng mấy chủ xe được “chia sẻ” khi bị tai nạn vì các điều kiện mà DN bảo hiểm đưa ra để được bồi thường cực kỳ phức tạp.
Theo Quyết định 23/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, lái xe có bảo hiểm khi gây ra tai nạn phải cứu chữa thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ và giữ nguyên hiện trường tai nạn; báo ngay cho DN bảo hiểm; giữ nguyên hiện trạng xe; trong vòng 5 ngày phải gửi cho DN bảo hiểm thông báo tai nạn (có người làm chứng xác nhận)… Quy định thì rõ nhưng lại “vênh” với thực tiễn. Bởi tai nạn thường xảy ra bất ngờ, ít ai chịu làm chứng vì sợ phiền hà.
Khi tai nạn xảy ra, điều trước tiên là phải cấp cứu chứ không ai nghĩ đến chuyện gọi cho bảo hiểm. Chủ phương tiện phải sửa chữa xe ngay để kịp thời đi lại, kiếm sống, nhưng khi sửa xe xong mang lại cho DN bảo hiểm thì họ không đồng ý vì chưa giám định… Nếu xét đúng điều kiện thì “năm thì mười họa” mới lấy được đền bù của bảo hiểm.
Chị Phương Nguyên (quận 4, TPHCM) cho biết mua bảo hiểm để đối phó với công an cho khỏi “rách việc” chứ nếu lỡ va chạm, công sức bỏ ra làm thủ tục đến khi nhận tiền bảo hiểm “tiền cá đã quá tiền cơm”.
Mặt khác, nếu thực thi đúng yêu cầu của bảo hiểm lại hoàn toàn mâu thuẫn với việc chống ùn tắc giao thông. Vậy nếu DN bảo hiểm chưa sẵn sàng để thực hiện hết trách nhiệm thì sao luật lại bắt buộc?
Để tránh rắc rối
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm, thừa nhận những rắc rối liên quan đến bảo hiểm xe máy nêu trên là có thật. Chỉ cần lướt một vòng trụ sở, chi nhánh hoặc bộ phận có chức năng thanh toán bảo hiểm sẽ thấy nhiều trường hợp tranh cãi dở khóc dở cười… Lỗi từ phía bảo hiểm cũng có nhưng nguyên nhân xuất phát từ sự hiểu biết thiếu đầy đủ của khách hàng cũng không phải nhỏ.
Trong đó, vi phạm của khách hàng về giấy phép lái xe, đăng kiểm, mua bảo hiểm cao hoặc thấp hơn giá trị thực tế của xe, hiểu nhầm về bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe chứ không phải vật chất xe chính là những cái “chết” phổ biến nhất hiện nay.
Tuy nhiên, những sự việc đáng tiếc trên sẽ được hạn chế đáng kể nếu khách hàng được tư vấn kỹ và giải thích triệt để về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm của mình. Bên cạnh đó, bản thân khách hàng phải là người đầu tiên chủ động tìm hiểu và tuyệt đối tránh mọi thủ thuật nhằm trục lợi bảo hiểm. Tất cả sẽ giúp cả hai phía khách hàng và công ty bảo hiểm hạn chế được những rắc rối, tranh cãi không cần thiết về sau.
Quỳnh Chi (Tin tức online)