Bảo hiểm vật chất cho xe máy ?
99,9% xe máy ở Việt Nam không mua bảo hiểm vật chất.
Theo thống kê của hiệp hội bảo hiểm thì gần như toàn bộ xe máy đang sử dụng không mua bảo hiểm vật chất và khoảng 80% không mua bảo hiểm dân sự bắt buộc.
Khi được hỏi về bảo hiểm vật chất cho xe máy, anh Thế Phong làm việc tại một công ty viễn thông ở Hà Nội tròn mắt ngạc nhiên: “Có bảo hiểm vật chất cho xe máy à? Lần đầu tôi nghe thấy đấy. Tôi tưởng các hãng bảo hiểm Việt Nam không bán”.
Anh Phong chỉ là một trong số rất nhiều khách hàng không có khái niệm về bảo hiểm vật chất cho xe máy, chưa nói đến việc cân nhắc có nên mua hay không. Vì thế mà những người bị cháy xe thường bỏ đi hoặc bất lực đứng nhìn mà không có hành động nào.
Liberty Việt Nam cung cấp thống kê trong hội thảo với Hiệp hội Bảo hiểm năm 2010 thì có tới 99,9% trong tổng số trên 21 triệu xe máy đang lưu hành không mua bảo hiểm vật chất. Trong khi có khoảng 90% người lao động sử dụng xe máy đi làm, tạo nên nguy cơ va chạm, tai nạn và mất cắp rất lớn.
Với trường hợp xe bị cháy, khách hàng có thể giảm thiểu thiệt hại nếu mua bảo hiểm vật chất. Ảnh: L.H.Q. |
Ông Phạm Trường Khánh, giám đốc marketing Liberty Việt Nam cho rằng nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. Hầu hết người đi xe máy chưa quan tâm đến bảo hiểm, thậm chí không mua cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Ngoài ra hiện chỉ có vài công ty bán bảo hiểm vật chất xe máy. Mức phí bảo hiểm thấp, khó bán nên các nhân viên kinh doanh bảo hiểm không mặn mà.
Hiện có các công ty như Bảo Minh, AAA, Pjico, Viễn Đông…có các sản phẩm dành cho xe máy. Hầu hết đều quy định chỉ bán cho những xe có thời hạn sử dụng không quá 7 năm. Viễn Đông còn chỉ bán cho những xe có giá trị 30 triệu đồng trở lên.
Một chiếc Attila Elizabeth đời 2008 trị giá 32 triệu đồng tham gia gói MotoCare sẽ được hưởng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới; bảo hiểm vật chất thân xe trọn gói cho mọi tổn thất; bảo hiểm hư hỏng bộ phận với mức miễn bồi thường 20 USD; bảo hiểm mất cắp toàn bộ, sửa chữa tại các garage chính hãng.
Mức phía hằng năm là 850.000 đồng, khoảng 2.300 đồng mỗi ngày và tương đương 2,6% giá trị xe.
Anh Hữu Việt, làm việc tại trung tâm nghiên cứu thị trường của một hãng xe máy lớn Việt Nam cho rằng người tiêu dùng rất ngại “động” đến bảo hiểm. Phí 2-2,5% giá trị xe thực tế là khá cao, đặc biệt với những người có thu nhập chỉ mua được loại dưới 20 triệu đồng.
“Xe máy bây giờ quá phổ biến, giá trị cũng thấp đi, không còn được coi là tài sản giống ôtô nên mọi người bỏ tâm lý phải giữ gìn, bảo vệ. Thủ tục bảo hiểm thường phức tạp trong khi giá trị bồi thường mỗi lần lại không cao”, anh Việt phân tích.
Tính phức tạp của thủ tục bảo hiểm là nguyên nhân cơ bản nhất. Nhiều công ty có những yêu cầu rất khó thực hiện khi tai nạn xảy ra như giữ nguyên hiện trường cho đến khi nhân viên bảo hiểm đến. Khai báo muộn cũng bị giảm trừ. Không có chứng thực của công an bị giảm 30-40% giá trị bồi thường. Thực tế thì người đi xe máy có xu hướng tự giải thỏa thuận với nhau, tránh phải làm việc với cảnh sát giao thông.
Bảo hiểm vật chất cho xe máy hữu dụng nhất với những trường hợp mất cắp hoặc cháy xe như thời gian vừa qua. Những vụ cháy xe vẫn được bảo hiểm, trừ trường hợp cố ý hủy hoại hoặc lỗi của nhà sản xuất. Nhưng nếu lỗi do nhà sản xuất thì bảo hiểm có trách nhiệm làm việc với hãng để yêu cầu đền bù thiệt hại.
Trọng Nghiệp
TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI ?
Xe máy bị cháy: nhà sản xuất cần chứng minh lỗi không phải của mình.
SGTT.VN – Đại diện cục Đăng kiểm Việt Nam và hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nếu sau này cơ quan điều tra xác định nguyên nhân gây ra các vụ cháy xe vừa qua là do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất thì nhà sản xuất phải bồi thường.
Song theo luật sư Trần Vũ Hải, giám đốc công ty Luật Hà Nội, chỉ cần nhà sản xuất không chứng minh được mình không có lỗi thì người tiêu dùng đã có thể khởi kiện ra toà.
Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, đã có hơn 20 vụ cháy xe máy xảy ra trên cả nước, trong đó riêng 16 ngày đầu của tháng 12 đã là sáu vụ, trong đó chủ yếu là xe máy của Honda và SYM.
Tại một buổi toạ đàm cuối tuần qua với chủ đề “Xe máy bị nổ – vì sao?”, luật sư Trần Vũ Hải đưa ra một số liệu gây chú ý: theo dõi trên báo chí hơn hai tháng qua, trong 11 vụ xe cháy thì chỉ có bốn vụ là có người bị nạn đến trình báo cơ quan chức năng. Còn lại bảy nạn nhân “đã rời hiện trường sau khi sự cố xảy ra”, theo miêu tả của báo chí.
Vị luật sư này nhận định, “đa số người tiêu dùng không biết làm thế nào để buộc nhà sản xuất hay cơ quan chức năng trả lời nguyên nhân và bồi thường tài sản thiệt hại – nếu sự cố không do lỗi của người tiêu dùng gây ra. Thậm chí người tiêu dùng bị nạn có tâm lý: “thôi, thoát chết đã là may mắn rồi”.
Vậy phải chăng, người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ quên việc đòi quyền lợi hợp pháp của mình – ngay cả khi, luật Bảo vệ người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1.7.2011) và nghị định hướng dẫn luật này (vừa có hiệu lực từ ngày 15.12.2011) đã có những quy định rất tiến bộ đứng về phía người tiêu dùng?
Trong những trường hợp cháy xe vừa qua, người bị nạn có thể sử dụng các cách thức khác nhau để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo đó, người tiêu dùng có thể tự mình yêu cầu nhà sản xuất giải quyết (bằng thương lượng hoà giải), hoặc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng giải quyết hoặc khởi kiện ra toà án, trọng tài.
“Người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh, điều này hoàn toàn khác luật Hình sự là người bị hại phải chứng minh lỗi của bị đơn. Thay vào đó, nhà sản xuất có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi”. |
Trường hợp khởi kiện ra toà án, người tiêu dùng (bị hại) chỉ cần chứng minh xe của họ có sự cố và sự cố đó gây ra thiệt hại, mà không cần phải chứng minh sự cố đó là lỗi của nhà sản xuất gây ra. “Người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh, điều này hoàn toàn khác luật Hình sự là người bị hại phải chứng minh lỗi của bị đơn. Thay vào đó, nhà sản xuất có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi”, luật sư Hải nhấn mạnh.
Điều này đồng nghĩa với việc, nhà sản xuất phải chứng minh trong các trường hợp cháy xe đó là có hành vi phá hoại, hoặc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sai hướng dẫn, hay có người thứ ba (giả dụ do xăng) gây ra lỗi. Ông Hải khẳng định: “Nếu không chứng minh được như trên, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm”.
Như vậy, trở lại với các trường hợp cháy xe thời gian qua, đến nay, ngoài việc cơ quan công an bác bỏ nguyên nhân bom mìn (phá hoại) trong vụ nổ xe ở Bắc Ninh, thì các nhà sản xuất chưa công bố cụ thể nguyên nhân khiến xe bốc cháy. Với Honda Việt Nam, trừ việc tuyên bố chung chung trong thông cáo báo chí phát đi ngày 13.12 là “chưa có sản phẩm nào có lỗi gây ra cháy” thì họ chưa hề chỉ rõ lỗi gây cháy đó do ai, xe vì sao mà cháy dù cũng đã có tổ chức kiểm tra, phân tích.
Còn SYM Việt Nam (nhà sản xuất có ba xe bị cháy thời gian qua) đến nay cũng im lặng. Ngày 17.12, tại buổi toạ đàm nói trên, ông Trần Quốc Bảo, chủ nhiệm phòng bảo hành SYM, thừa nhận SYM chỉ mới dừng lại ở các cuộc họp nội bộ để chỉ đạo các phòng, ban rà soát, hoàn thiện các khâu nhằm tránh mắc lỗi kỹ thuật. “Cũng có trường hợp, sau khi nghe sự cố cháy xe, SYM có muốn cũng rất khó để liên hệ được và được người bị hại đồng ý cho hãng đưa xe về để tìm nguyên nhân”, ông Bảo phân trần.
Điều này cho thấy, các nhà sản xuất chưa chỉ ra được lỗi do đâu mà cháy xe, (cho dù họ có thể trả lời nguyên nhân gây ra cháy không phải do lỗi của sản phẩm). “Phải nói thêm rằng, luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định người tiêu dùng khi khởi kiện không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí toà án, giám định, cho nên, nếu người tiêu dùng cho rằng xe cháy không phải do lỗi của mình thì nên khởi kiện để đảm bảo quyền lợi, hay ít nhất là buộc nhà sản xuất phải làm rõ nguyên nhân cháy xe”, luật sư Trần Vũ Hải nói sẵn sàng trợ giúp pháp lý miễn phí cho các nạn nhân cháy xe khởi kiện.
Chí Hiếu
Đâu là nguyên nhân ?
Hàng trăm nghìn xe máy Honda dính lỗi có thể gây cháy.
– Riêng tại thị trường Mỹ, trong 3 năm qua, Honda đã ít nhất 2 lần phải thu hồi xe máy do các lỗi kỹ thuật có thể dẫn đến cháy.
Quá trình thu hồi 126.000 chiếc mô-tô Honda Gold Wing 2001-2010 và 2012 dự kiến sẽ bắt đầu vào mồng 4/1 năm sau. Tổng số xe bị thu hồi có thể lên tới 126.000 chiếc.
Theo báo cáo của Honda đệ trình lên Cơ quan an toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) ngày 1/12, nguyên nhân thu hồi là do sự cố với hệ thống phanh kết hợp CBS của Gold Wing có thể gây cháy hoặc tai nạn.
Tháng 7/2010, Honda Mỹ nhận được báo cáo đầu tiên về sự cố gây cháy đối với Gold Wing. Một khách hàng sau khi dừng xe được vài phút bỗng nghe thấy một tiếng nổ nhỏ rồi thấy lửa bốc lên từ phanh sau.
Trường hợp thứ hai được ghi nhận vào tháng 11/2010. Honda cho biết phải mất 16 tháng để xác định nguyên nhân sự cố và quy trình xử lý.
Gold Wing, VT600, VT750 và VTX1300 đều có các lỗi có thể cháy |
Honda Mỹ đã ra thông cáo báo chí để giải thích rõ nguyên nhân sự cố với khách hàng. Theo Honda, có thể chiếc xi-lanh chủ thứ hai trong hệ thống phanh CBS gặp trục trặc khiến phanh sau bị bó cứng khi người lái bóp phanh và tiếp tục bị kẹt ngay cả khi người điều khiển đã nhả phanh.
Tiếp tục di chuyển trong tình trạng phanh sau bị bó cứng làm tăng nhiệt độ dầu phanh, ảnh hưởng tới các bộ phận ở phanh sau. Khi nhiệt độ đủ cao, phanh sau có thể phát hỏa.
Trước đó, 10/4/ 2008, Honda chính thức thu hồi 38.934 mô-tô VT600 2006-2007, VT750 2007- 2008 và VTX1300 do lo sợ lỗi kỹ thuật khiến van màng chắn bộ điều khiển cấp nhiên liệu bị hở, có thể làm rò rỉ nhiên liệu và gây cháy.
Theo NHTSA, nguyên nhân gây cháy là do xăng sau khi bị rò rỉ tiếp xúc với bộ phận đánh lửa. Cho tới nay, chi nhánh Honda ở Mỹ đã nhận được 26 phản ảnh từ phía khách hàng về hiện tượng phanh bị bó, trong đó có hai trường hợp gây cháy nhỏ. Tuy nhiên, báo cáo của hãng chưa ghi nhận tai nạn nào.
Tất cả những khách hàng hiện đang sở hữu Gold Wing được yêu cầu mang xe tới chi nhánh hãng ở Mỹ để kiểm tra đầy đủ. Honda cam kết sẽ thay mới miễn phí nếu hệ thống xi-lanh bị lỗi.
Nguồn Thu Thương- Ngọc Khanh ( 15/12/2011).