Bảo hiểm vật chất cho xe máy ?
99,9% xe máy ở Việt Nam không mua bảo hiểm vật chất.
Theo thống kê của hiệp hội bảo hiểm thì gần như toàn bộ xe máy đang sử dụng không mua bảo hiểm vật chất và khoảng 80% không mua bảo hiểm dân sự bắt buộc.
Khi được hỏi về bảo hiểm vật chất cho xe máy, anh Thế Phong làm việc tại một công ty viễn thông ở Hà Nội tròn mắt ngạc nhiên: “Có bảo hiểm vật chất cho xe máy à? Lần đầu tôi nghe thấy đấy. Tôi tưởng các hãng bảo hiểm Việt Nam không bán”.
Anh Phong chỉ là một trong số rất nhiều khách hàng không có khái niệm về bảo hiểm vật chất cho xe máy, chưa nói đến việc cân nhắc có nên mua hay không. Vì thế mà những người bị cháy xe thường bỏ đi hoặc bất lực đứng nhìn mà không có hành động nào.
Liberty Việt Nam cung cấp thống kê trong hội thảo với Hiệp hội Bảo hiểm năm 2010 thì có tới 99,9% trong tổng số trên 21 triệu xe máy đang lưu hành không mua bảo hiểm vật chất. Trong khi có khoảng 90% người lao động sử dụng xe máy đi làm, tạo nên nguy cơ va chạm, tai nạn và mất cắp rất lớn.
Với trường hợp xe bị cháy, khách hàng có thể giảm thiểu thiệt hại nếu mua bảo hiểm vật chất. Ảnh: L.H.Q. |
Ông Phạm Trường Khánh, giám đốc marketing Liberty Việt Nam cho rằng nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. Hầu hết người đi xe máy chưa quan tâm đến bảo hiểm, thậm chí không mua cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Ngoài ra hiện chỉ có vài công ty bán bảo hiểm vật chất xe máy. Mức phí bảo hiểm thấp, khó bán nên các nhân viên kinh doanh bảo hiểm không mặn mà.
Hiện có các công ty như Bảo Minh, AAA, Pjico, Viễn Đông…có các sản phẩm dành cho xe máy. Hầu hết đều quy định chỉ bán cho những xe có thời hạn sử dụng không quá 7 năm. Viễn Đông còn chỉ bán cho những xe có giá trị 30 triệu đồng trở lên.
Một chiếc Attila Elizabeth đời 2008 trị giá 32 triệu đồng tham gia gói MotoCare sẽ được hưởng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới; bảo hiểm vật chất thân xe trọn gói cho mọi tổn thất; bảo hiểm hư hỏng bộ phận với mức miễn bồi thường 20 USD; bảo hiểm mất cắp toàn bộ, sửa chữa tại các garage chính hãng.
Mức phía hằng năm là 850.000 đồng, khoảng 2.300 đồng mỗi ngày và tương đương 2,6% giá trị xe.
Anh Hữu Việt, làm việc tại trung tâm nghiên cứu thị trường của một hãng xe máy lớn Việt Nam cho rằng người tiêu dùng rất ngại “động” đến bảo hiểm. Phí 2-2,5% giá trị xe thực tế là khá cao, đặc biệt với những người có thu nhập chỉ mua được loại dưới 20 triệu đồng.
“Xe máy bây giờ quá phổ biến, giá trị cũng thấp đi, không còn được coi là tài sản giống ôtô nên mọi người bỏ tâm lý phải giữ gìn, bảo vệ. Thủ tục bảo hiểm thường phức tạp trong khi giá trị bồi thường mỗi lần lại không cao”, anh Việt phân tích.
Tính phức tạp của thủ tục bảo hiểm là nguyên nhân cơ bản nhất. Nhiều công ty có những yêu cầu rất khó thực hiện khi tai nạn xảy ra như giữ nguyên hiện trường cho đến khi nhân viên bảo hiểm đến. Khai báo muộn cũng bị giảm trừ. Không có chứng thực của công an bị giảm 30-40% giá trị bồi thường. Thực tế thì người đi xe máy có xu hướng tự giải thỏa thuận với nhau, tránh phải làm việc với cảnh sát giao thông.
Bảo hiểm vật chất cho xe máy hữu dụng nhất với những trường hợp mất cắp hoặc cháy xe như thời gian vừa qua. Những vụ cháy xe vẫn được bảo hiểm, trừ trường hợp cố ý hủy hoại hoặc lỗi của nhà sản xuất. Nhưng nếu lỗi do nhà sản xuất thì bảo hiểm có trách nhiệm làm việc với hãng để yêu cầu đền bù thiệt hại.
Trọng Nghiệp