TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI ?
Xe máy bị cháy: nhà sản xuất cần chứng minh lỗi không phải của mình.
SGTT.VN – Đại diện cục Đăng kiểm Việt Nam và hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nếu sau này cơ quan điều tra xác định nguyên nhân gây ra các vụ cháy xe vừa qua là do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất thì nhà sản xuất phải bồi thường.
Song theo luật sư Trần Vũ Hải, giám đốc công ty Luật Hà Nội, chỉ cần nhà sản xuất không chứng minh được mình không có lỗi thì người tiêu dùng đã có thể khởi kiện ra toà.
Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, đã có hơn 20 vụ cháy xe máy xảy ra trên cả nước, trong đó riêng 16 ngày đầu của tháng 12 đã là sáu vụ, trong đó chủ yếu là xe máy của Honda và SYM.
Tại một buổi toạ đàm cuối tuần qua với chủ đề “Xe máy bị nổ – vì sao?”, luật sư Trần Vũ Hải đưa ra một số liệu gây chú ý: theo dõi trên báo chí hơn hai tháng qua, trong 11 vụ xe cháy thì chỉ có bốn vụ là có người bị nạn đến trình báo cơ quan chức năng. Còn lại bảy nạn nhân “đã rời hiện trường sau khi sự cố xảy ra”, theo miêu tả của báo chí.
Vị luật sư này nhận định, “đa số người tiêu dùng không biết làm thế nào để buộc nhà sản xuất hay cơ quan chức năng trả lời nguyên nhân và bồi thường tài sản thiệt hại – nếu sự cố không do lỗi của người tiêu dùng gây ra. Thậm chí người tiêu dùng bị nạn có tâm lý: “thôi, thoát chết đã là may mắn rồi”.
Vậy phải chăng, người tiêu dùng Việt Nam đã bỏ quên việc đòi quyền lợi hợp pháp của mình – ngay cả khi, luật Bảo vệ người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1.7.2011) và nghị định hướng dẫn luật này (vừa có hiệu lực từ ngày 15.12.2011) đã có những quy định rất tiến bộ đứng về phía người tiêu dùng?
Trong những trường hợp cháy xe vừa qua, người bị nạn có thể sử dụng các cách thức khác nhau để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo đó, người tiêu dùng có thể tự mình yêu cầu nhà sản xuất giải quyết (bằng thương lượng hoà giải), hoặc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng giải quyết hoặc khởi kiện ra toà án, trọng tài.
“Người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh, điều này hoàn toàn khác luật Hình sự là người bị hại phải chứng minh lỗi của bị đơn. Thay vào đó, nhà sản xuất có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi”. |
Trường hợp khởi kiện ra toà án, người tiêu dùng (bị hại) chỉ cần chứng minh xe của họ có sự cố và sự cố đó gây ra thiệt hại, mà không cần phải chứng minh sự cố đó là lỗi của nhà sản xuất gây ra. “Người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh, điều này hoàn toàn khác luật Hình sự là người bị hại phải chứng minh lỗi của bị đơn. Thay vào đó, nhà sản xuất có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi”, luật sư Hải nhấn mạnh.
Điều này đồng nghĩa với việc, nhà sản xuất phải chứng minh trong các trường hợp cháy xe đó là có hành vi phá hoại, hoặc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sai hướng dẫn, hay có người thứ ba (giả dụ do xăng) gây ra lỗi. Ông Hải khẳng định: “Nếu không chứng minh được như trên, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm”.
Như vậy, trở lại với các trường hợp cháy xe thời gian qua, đến nay, ngoài việc cơ quan công an bác bỏ nguyên nhân bom mìn (phá hoại) trong vụ nổ xe ở Bắc Ninh, thì các nhà sản xuất chưa công bố cụ thể nguyên nhân khiến xe bốc cháy. Với Honda Việt Nam, trừ việc tuyên bố chung chung trong thông cáo báo chí phát đi ngày 13.12 là “chưa có sản phẩm nào có lỗi gây ra cháy” thì họ chưa hề chỉ rõ lỗi gây cháy đó do ai, xe vì sao mà cháy dù cũng đã có tổ chức kiểm tra, phân tích.
Còn SYM Việt Nam (nhà sản xuất có ba xe bị cháy thời gian qua) đến nay cũng im lặng. Ngày 17.12, tại buổi toạ đàm nói trên, ông Trần Quốc Bảo, chủ nhiệm phòng bảo hành SYM, thừa nhận SYM chỉ mới dừng lại ở các cuộc họp nội bộ để chỉ đạo các phòng, ban rà soát, hoàn thiện các khâu nhằm tránh mắc lỗi kỹ thuật. “Cũng có trường hợp, sau khi nghe sự cố cháy xe, SYM có muốn cũng rất khó để liên hệ được và được người bị hại đồng ý cho hãng đưa xe về để tìm nguyên nhân”, ông Bảo phân trần.
Điều này cho thấy, các nhà sản xuất chưa chỉ ra được lỗi do đâu mà cháy xe, (cho dù họ có thể trả lời nguyên nhân gây ra cháy không phải do lỗi của sản phẩm). “Phải nói thêm rằng, luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định người tiêu dùng khi khởi kiện không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí toà án, giám định, cho nên, nếu người tiêu dùng cho rằng xe cháy không phải do lỗi của mình thì nên khởi kiện để đảm bảo quyền lợi, hay ít nhất là buộc nhà sản xuất phải làm rõ nguyên nhân cháy xe”, luật sư Trần Vũ Hải nói sẵn sàng trợ giúp pháp lý miễn phí cho các nạn nhân cháy xe khởi kiện.
Chí Hiếu