Trao đổi , học hỏi …những kinh nghiêm quý báu .

Sep 13, 2011   //   by baohiemxemay   //   Tin tức  //  No Comments

Xử  lý xe máy sau ngập nước .

Thay dầu, súc rửa chế hòa khí và kiểm tra hệ thống điện là những điều cần làm ngay nếu xe bị chết máy do nước vào.

Sáng 3/11, vừa khệ nệ đẩy chiếc Honda Wave Alpha đến cửa hàng sửa xe trên đường Lạc Long Quân, anh Hoàng nhận ngay câu hỏi của thợ “Xe bị sao anh? Có ngập nước không”. Anh buồn bã đáp: “Có, ngập đến yên ở đường Liễu Giai”. Sau khi thay dầu, mua ắc-quy, bộ IC mới và rửa chế hòa khí, Hoàng rút ví thanh toán 400.000 đồng và thầm nghĩ may xe vẫn còn đi được.

Trận mưa kéo dài từ đêm 31/10 khiến Hà Nội chìm trong biển nước. Kéo theo hàng nghìn xe máy bị chết máy. Bên cạnh đó là những chiếc không may bị ngâm 4 ngày tại tầng hầm Hà Thành Plaza trên đường Thái Thịnh.

Với những xe máy bị
Với những xe máy bị “lụt”, cần xử lý sớm hệ thống điện và thay dầu động cơ. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo anh Thái Minh Tuấn, thợ sửa xe lâu năm, trong trường hợp xe bị nước khi đang di chuyển chỉ cần lau bu-gi, xả nước trong ống pô là có thể vận hành bình thường.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để đảm bảo an toàn, cần phải thay dầu động cơ ngay sau đó. Nếu bị lẫn nước, độ nhớt dầu bị giảm khiến các chi tiết được bôi trơn không tốt, gây mài mòn cơ học. Ngoài ra, ở điều kiện nhiệt độ cao, nước sẽ làm axit hóa nhớt và gây mòn hóa học.

Với những xe tay ga, bên cạnh việc thay dầu cần phải kiểm tra bộ lọc khí. Do đặt thấp, ngay trên dây đai dẫn động, nên thiết bị này dễ thấm nước, kéo theo quá trình nạp khí bị ảnh hưởng. Lượng hơi nước lớn trong dòng khí nạp làm giảm nồng độ oxy, xăng đốt cháy không hết và xe bị yếu, thậm chí không nổ được.

Phức tạp nhất là những xe bị ngâm nước trong thời gian dài, do toàn bộ kết cấu của xe bị nước tác động. Điện là hệ thống đầu tiên cần phải kiểm tra bởi nó ảnh hưởng đến toàn bộ vận hành của xe, đặc biệt với những xe ga sử dụng hệ thống phun xăng điện tử.

Mâm lửa (đặt phía mặt nạ bên trái, gần cần số) có thể bị lẫn nước và hỏng nếu thời gian tiếp xúc dài. Tiếp theo đó là mô-tơ của bộ đề, nơi chịu trách nhiệm khởi động xe khi bấm nút đề. Đây là bộ phận dễ cháy nếu bị ẩm.

Các đường dây điện cũng phải được làm khô, đặc biệt ở các nút tiếp xúc. Bạn nên thay ắc-quy trong trường hợp nước ngập toàn bộ xe, bởi nó đã bị ngắn mạch.

Những xe ngập chắc chắn phải thay dầu mới. Kiểm tra chế hòa khí và xả hết xăng cũ của bình xăng con, lau hoặc thay bu-gi nếu cần thiết. Với những xe tay ga cần phải thay mới lọc gió và làm khô bộ truyền động. Nếu bị ướt, dây đai không “bám” với ly hợp khiến xe đi có cảm giác giật, khó tăng tốc và hao xăng.

Một chi tiết ít được chú ý là bạc đạn ở hai bánh. Tiếp xúc trong thời gian dài, nước sẽ “ăn” hết mỡ trong các vòng bi. Khi vận hành trở lại, vòng bi rất dễ bị vỡ do không được bôi trơn và bị nước bao quanh. Vì vậy, bạn nên tới các garage để tháo bạc đạn, làm khô và tra mỡ.

Tiền sửa chữa tùy thuộc vào mức độ hỏng hóc nhưng với những xe bị ngập lâu và phải xử lý toàn bộ có thể lên tới hơn 1 triệu đồng mỗi chiếc. Những trường hợp còn lại, chi phí vào khoảng vài trăm ngàn đồng.

13/9/2011 .Theo Nguyễn Nghĩa


Leave a comment