Tin tài chính – bảo hiểm trong nước

Aug 17, 2011   //   by baohiemxemay   //   Tin tức  //  No Comments

Bảo hiểm xe cơ giới – miếng bánh hấp dẫn ?
Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam năm qua đã có một bước tăng trưởng khả quan. Là nghiệp vụ mũi nhọn của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, bảo hiểm xe cơ giới năm qua tăng khá, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung toàn thị trường. Hơn thế nữa, đây là một loại hình bảo hiểm khá phổ biến, có mức độ ảnh hưởng lớn tới người dân.

Một năm sôi động

2007 là một năm khá thuận lợi đối với ngành bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng với tốc độ tăng trưởng cao, hội nhập quốc tế mạnh mẽ thông qua tiếp nhận vốn đầu tư và đổi mới quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Doanh thu phí bảo hiểm gốc phi nhân thọ toàn thị trường đạt 8.359 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với năm 2006 – mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Trong đó, bảo hiểm xe cơ giới vẫn luôn là một trong các nghiệp vụ bảo hiểm có mức đóng góp đáng kể cho thị trường. Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh số của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong năm 2007 đạt gần 2.500 tỷ đồng.

Kết quả trên có được là nhờ nhiều chính sách chế độ quản lý của các cơ quan chức năng được ban hành đã có tác động tích cực tới thị trường. Môi trường pháp lý thuận lợi đó thúc đẩy thị trường bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng lâu dài. Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC ngày 9/4/2007 của Bộ Tài chính ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 12/6/2007. Trong đó có điểm đáng chú ý nhất là thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới tối thiểu là 1 năm, khuyến khích chủ xe mua bảo hiểm nhiều hơn 1 năm với chế độ giảm phí. Việc mở rộng phạm vi bảo hiểm và nâng mức trách nhiệm, phí trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với người thứ ba được nâng lên 50% với tỷ lệ phí tăng lên 1,5 lần… giúp số phí thu tăng lên đáng kể. Nghị quyết số 32 của Chính phủ về công tác trật tự an toàn giao thông trong đó có chương trình đội mũ bảo hiểm là cơ hội để các doanh nghiệp bán bảo hiểm xe máy kết hợp với chương trình này. Thông tư liên tịch số 16 của Bộ Công an – Bộ Tài chính được ban hành tạo thuận lợi cho việc giám định tai nạn, giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng và hỗ trợ khai thác bảo hiểm. Trong quy chế điều tra tai nạn đã có nội dung cung cấp hồ sơ cho doanh nghiệp bảo hiểm. Do vậy, sự cộng tác giữa hai ngành đã chặt chẽ hơn trong quy trình giải quyết tai nạn và khai thác bảo hiểm. Đã có sự phối hợp toàn diện giữa cảnh sát giao thông và doanh nghiệp bảo hiểm trong khai thác bán bảo hiểm và kiểm tra, xử phạt những trường hợp chưa chấp hành nghiêm chỉnh theo quy định. Hoạt động tuyên truyền quảng bá cũng được đẩy mạnh cùng với sự phối hợp sâu rộng và toàn diện này. Ngoài ra, chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô (cả xe mới và xe cũ) đã khiến lượng xe nhập tăng vọt. Chỉ riêng năm 2007, đã có 28.000 chiếc xe được nhập vào Việt Nam, tăng 245% so với năm 2006. Đó là chưa kể lượng xe lắp ráp tại nội địa tăng gấp đôi, đạt 80.390 chiếc.

Tuy vậy, tình trạng giảm phí bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm tiếp tục là mối quan ngại của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp lớn, chiếm khoảng 70% thị phần bao gồm Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt), PJICO, Bảo Minh đã hợp tác với nhau vì một môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả. Các doanh nghiệp có thị phần nhỏ, mới ra đời lại mải miết chạy đua theo doanh thu. Điều đó khiến cho mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới ngày càng “nóng” hơn. Một số doanh nghiệp bảo hiểm có bài học trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phải trả giá bằng tỷ lệ bồi thường cao, chi phí cao. Vì thế các doanh nghiệp này đã có vẻ dè dặt hơn trước bài toán hiệu quả kinh doanh; chủ động xiết lại bồi thường và tập trung khai thác bảo hiểm xe máy để tăng doanh thu và bù lại chi phí bồi thường các nghiệp vụ xe cơ giới.

Bảo hiểm Bảo Việt – thành viên của Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lâu đời nhất và cũng là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bảo hiểm xe cơ giới, đã phát triển theo phương châm: Tăng trưởng, hiệu quả và phát triển bền vững. Bảo hiểm Bảo Việt không chạy đua cạnh tranh bằng mọi cách mà luôn kiên định chủ trương phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, linh hoạt trong các chương trình xúc tiến thương mại. Năm qua, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của Bảo hiểm Bảo Việt tăng trưởng trên 22%, trong khi tỷ lệ chi bồi thường giảm so với năm 2006. Bảo hiểm xe cơ giới cũng là một nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Bảo hiểm Bảo Việt

Quản lý rủi ro – vấn đề không của riêng ai

Tính đến hết năm 2007, toàn thị trường có 22 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thì có tới 14 doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Con số các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xe cơ giới sẽ không dừng ở đó trong năm nay. Theo cam kết WTO, các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn nước ngoài sẽ được bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước.

 

Nghị quyết số 32 của Chính phủ vẫn còn ảnh hưởng mạnh đến khai thác bảo hiểm xe máy. Theo nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực này, đối tượng khách hàng của bảo hiểm xe máy thường phân tán, thời hạn bảo hiểm ngắn, do vậy doanh nghiệp nào mở rộng mạng lưới khai thác sẽ chiếm lĩnh được thị trường.

 

Tiềm năng của thị trường này rất lớn. Song để đạt được hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng tới quản lý rủi ro, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm. Hiện nay, mức phí bảo hiểm đã bị giảm quá nhiều, có thể nói là xuống mức “sàn”. Do vậy, giảm phí bảo hiểm để cạnh tranh là biện pháp không thể chấp nhận được.

 

Thực tế, hiện tượng trục lợi bảo hiểm xuất hiện ngày càng nhiều với các thủ thuật hết sức tinh vi, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp bảo hiểm. Hơn thế, nó còn tạo ra một tiền lệ xấu, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tạo thành một phản ứng dây chuyền. Việc điều tra gian lận, trục lợi bảo hiểm khá khó khăn do các đối tượng trục lợi thường tìm cách lách luật, có những thủ đoạn che giấu tinh vi. Theo ước tính, tỷ lệ bồi thường do gian lận thường chiếm khoảng 12 – 15% số tiền bồi thường hàng năm.

 

Hiện nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới rất cao. Với tỷ lệ bồi thường lên tới 80% chắc chắn thu không đủ bù chi. Nếu như tỷ lệ này ở mức 60% cũng chỉ đủ trang trải các chi phí quản lý, chi phí khai thác,… Thông thường các doanh nghiệp mới nhập cuộc thường sa vào sai lầm này. Một cách vô tình hoặc cố ý, để chạy theo doanh thu các doanh nghiệp này thường hạ phí bảo hiểm rất thấp, đặc biệt trong những năm đầu.

Công tác quản lý khách hàng qua mạng chưa có sự liên thông giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trong toàn thị trường với một danh sách “đen” các khách hàng có các hành vi gian lận, trục lợi. Vì thế, nhiều khách hàng xấu bị doanh nghiệp bảo hiểm này từ chối, lại được doanh nghiệp bảo hiểm khác đón nhận. Hậu quả là các doanh nghiệp bảo hiểm trở thành “nạn nhân” của các khách hàng “đen” này.

 

Ông Đinh Quang Tấn – trưởng phòng Bảo hiểm Xe cơ giới của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, mặc dù Bảo Việt là doanh nghiệp lâu năm nhất trên thị trường, rất có kinh nghiệm trong việc thẩm tra các vụ việc tiêu cực, nhưng cũng hết sức bất bình với các hành vi gian lận này. Các doanh nghiệp cần phải xới vấn đề này lên. Đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà bản thân các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần đồng lòng sát cánh với các doanh nghiệp bảo hiểm tổng kết và rút ra những kinh nghiệm kịp thời để có những giải pháp chống gian lận bảo hiểm hiệu quả.

 

 

 

 

 

 

 

Cẩm Tú

 

 

 

Leave a comment