Thị trường BH môtô – xe gắn máy : Vì sao chưa hấp dẫn?

Aug 14, 2011   //   by baohiemxemay   //   Bảo hiểm xe máy  //  No Comments
Theo tin từ Cục Đăng kiểm VN, hiện cả nước có khoảng 20 triệu môtô, xe gắn máy đang lưu hành. Nếu theo quy luật, với lượng xe lớn như vậy thì từ ngày 1/7/2009 (thời điểm bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy) thị trường bảo hiểm sẽ rất sôi động. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng áp dụng, số người tham gia bảo hiểm bắt buộc đối với môtô, xe gắn máy là rất thấp.

 

Ông Cung Trọng Toàn – Giám đốc Công ty Bảo Minh Hà Nội cho biết: “Tuy quy định pháp luật đã bắt buộc người sở hữu môtô, xe gắn máy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) nhưng đa số chủ sở hữu môtô, xe gắn máy vẫn ít quan tâm, trong khi việc tuyên truyền của đa số doanh nghiệp về lợi ích của bảo hiểm cũng chưa tốt.Người dân luôn cho rằng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm “làm khó” khách hàng khi làm thủ tục bồi thường, nhưng thực ra người mua bảo hiểm xe máy cần thông cảm với các quy định chặt chẽ vì nếu đơn giản quá sẽ tạo thuận lợi cho hành vi lập tai nạn giả, thiệt hại giả để chiếm đoạt tiền bồi thường. Tuy nhiên, nên có giải pháp dung hòa quyền lợi giữa khách hàng và công ty bảo hiểm như: nếu mức bồi thường dưới 1 triệu đồng thì hồ sơ nên đơn giản hơn mức bồi thường từ 20 – 30 triệu đồng”…Thượng tá Lê Quang Mỹ – Đội trưởng Đội CSGT huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Hiện lực lượng CSGT chưa có chuyên đề, cao điểm xử lý vi phạm môtô, xe máy không có giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS mà chỉ xử lý nếu phát hiện thông qua lỗi ban đầu của người vi phạm”.

Trước thực trạng phần lớn những người mua bảo hiểm TNDS chủ môtô, xe gắn máy hiện nay chỉ là những người mua xe mới để hoàn tất thủ tục đăng ký xe sau đó họ không tái thủ tục hợp đồng nữa, ông Phạm Đình Trọng – Phó Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính khuyến cáo: Việc bảo hiểm môtô, xe gắn máy rất có lợi cho các chủ sở hữu. Bởi khi không may xảy ra TNGT, chủ xe phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn do xe gây ra (người thứ ba) cả về tính mạng và tài sản của họ, đồng thời có thể phải bồi thường cho cả hành khách ngồi trên xe (nếu có thiệt hại).

Nếu chủ xe không mua bảo hiểm TNDS thì họ phải tự lo kinh phí để cho trả các khoản này, và rất có thể họ không chi trả được nếu vượt quá năng lực tài chính của mình, dẫn đến gây khó khăn cho cả chủ xe và người bị thiệt hại. Trường hợp chủ xe mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường các khoản trên.

Về việc người dân phản ánh các thủ tục bồi thường của các công ty bảo hiểm quá rắc rối, ông Trọng cho biết, hiện các thủ tục giải quyết bồi thường của một số công ty bảo hiểm còn phức tạp, gây phiền hà chủ xe, phần nào làm mất lòng tin đối với người tham gia bảo hiểm. Chính vì vậy, sắp tới Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo doanh nghiệp nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về bán và giải quyết quyền lợi bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.

Luật GTĐB quy định, người lái xe gắn máy khi điều khiển phương tiện phải mang theo 3 loại giấy: giấy đăng ký xe, GPLX, giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới.

Khi xảy ra TNGT, để được đền bù thỏa đáng từ các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định, khách hàng phải thông báo ngay với doanh nghiệp để được hướng dẫn kịp thời. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất. Biên bản xử lý TNGT của cơ quan công an hay biên bản xác nhận của chính quyền địa phương sẽ là những tài liệu quan trọng khi lập hồ sơ giải quyết bồi thường.

                                                                                       

 


Leave a comment