Khách hàng của bảo hiểm xe cơ giới phải được đối xử công bằng
Hiện nay trên thị trường bảo hiểm, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đưa ra mức phí áp dụng chung với mọi đối tượng khách hàng. Điều này chưa đảm bảo được tính công bằng.Nguyên tắc bảo hiểm là khách hàng có rủi ro cao phải đóng phí bảo hiểm cao và ngược lại.
Khách hàng có rủi ro thấp thì đương nhiên được hưởng phí bảo hiểm thấp.Vì vậy, biểu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phải được phân ra chi tiết hơn, phù hợp với rủi ro của từng khách hàng, đảm bảo tính công bằng trong đối xử với khách hàng.
1. Rủi ro sử dụng xe khác nhau, mức phí bảo hiểm khác nhau
Có 3 đối tượng sở hữu khai thác sử dụng xe là xe cá nhân, xe công và xe kinh doanh vận tải.
Xe cá nhân được người chủ có ý thức chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tốt nhất. Họ thường là chủ xe kiêm lái xe nên nếu xảy ra tai nạn họ có thể bị thiệt hại cả về tính mạng, sức khoẻ và tài sản của chính họ nên ý thức đề phòng hạn chế tai nạn tốt nhất. Xe cá nhân có thời gian và phạm vi lưu thông trên đường ít hơn 2 đối tượng trên nên mức độ rủi ro sẽ thấp hơn.
Xe công cũng được quản lý tương đối chặt chẽ, không dễ gì được chi tiền từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, xe công có thời gian và phạm vi lưu thông trên đường ít hơn xe kinh doanh vận tải. Xe công thuộc đối tượng rủi ro trung bình.
Xe kinh doanh vận tải thường lái xe là người làm công ăn lương cho chủ xe, có phạm vi hoạt động và thời gian hoạt động nhiều nhất. Thậm chí xe đường dài hoặc taxi hoạt động suốt ngày đêm trên khắp mọi miền đất nước. Hiện nay chủ xe thường khoán cho lái xe giờ phải giao hàng, trả khách nên phải phóng nhanh vượt ẩu tạo nên mức độ rủi ro cao nhất.
2. Loại xe khác nhau rủi ro khác nhau, phí bảo hiểm khác nhau
Các hãng sản xuất xe (Honda, Toyota, Huyndai…) cung cấp sản phẩm có đặc tính, đặc trưng khác nhau (Toyota có Camry, Innova…) nên rủi ro khác nhau.
Ngay 1 loại sản phẩm của hãng (nhãn hiệu xe) cũng cho ra đời nhiều dòng sản phẩm (seri) khác nhau. Đi liền với dòng sản phẩm này là những đòi hỏi về máy móc, trang thiết bị nội thất, trang thiết bị đảm bảo an toàn, mức độ sẵn có của phụ tùng thay thế, yêu cầu kỹ thuật sửa chữa khi hư hỏng tai nạn để đảm bảo an toàn xe sau sửa chữa… Đó là những yếu tố làm tăng hay giảm rủi ro, từ đó sẽ làm tăng hay giảm phí bảo hiểm. Ví dụ loại xe từ khi khởi động đến khi đạt tốc độ trung bình quá nhanh tuy thuận tiện cho người lái xe nhưng lại là nguyên nhân rủi ro tai nạn lớn. Xe có lắp camera thuận lợi cho điều khiển xe, hệ thống định vị xe cảnh báo rủi ro sẽ làm cho rủi ro tai nạn giảm đương nhiên được hưởng phí bảo hiểm giảm.
3. Ý thức quản lý rủi ro cao sẽ hưởng phí bảo hiểm thấp
Việc đánh giá ý thức quản lý rủi ro bảo hiểm được định tính bằng số lần xảy ra rủi ro tai nạn đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường. Nếu lấy chuẩn xe mới mua bắt đầu tham gia bảo hiểm hưởng mức phí bảo hiểm theo hệ số 1 thì mỗi lần xe gây tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường nếu tiếp tục tham gia bảo hiểm cho năm mới thì phải tăng phí bảo hiểm theo một tỷ lệ tương ứng. Ngược lại, xe tham gia bảo hiểm có nhiều năm không xảy ra tổn thất sẽ được giảm phí bảo hiểm.
Kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước Đông Nam Á chia ra 8 mức giảm phí bảo hiểm cho 14 năm hoạt động của xe (2 năm đầu mỗi năm 1 mức giảm, sau đó 2 năm 1 mức giảm). Năm đầu tiên tham gia bảo hiểm không có tổn thất được giảm 1 mức phí, 2 năm tham gia bảo hiểm không xảy ra tổn thất được giảm mức phí tiếp theo và sau đó cứ 2 năm tiếp theo không xảy ra tổn thất lại được giảm 1 mức phí.
4. Chủ xe tự gánh chịu rủi ro (một phần số tiền bồi thường) làm giảm rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được hưởng phí bảo hiểm thấp hơn
Trong nghiệp vụ bảo hiểm được gọi là mức khấu trừ, thường là một số tiền nhất định cho một vụ tổn thất như 1 triệu đ, 2 triệu đ, 3 triệu đ, 4 triệu đ, 5 triệu đ. Thực chất chủ xe chấp nhận một phần thiệt hại tài chính của mình trong phạm vi khả năng tài chính của họ với các tổn thất xảy ra không đòi bảo hiểm bồi thường 100% thiệt hại. Việc làm này chủ xe tự khẳng định mình luôn đề phòng hạn chế tai nạn xảy ra và nhất là tránh những tai nạn xảy ra gây tổn thất nhỏ trong phạm vi mức khấu trừ không được giải quyết bồi thường. Đồng thời khi tổn thất nhỏ xảy ra, chủ xe tự gánh chịu không đòi doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thì đương nhiên họ không bị tăng phí khi tái tục hợp đồng bảo hiểm mới. Chủ xe chấp nhận mức khấu trừ càng cao thì phí bảo hiểm càng giảm.
5. Các giải pháp thực hiện
Trước hết các doanh nghiệp bảo hiểm phải tính lại phí bảo hiểm theo các tiêu chí tăng giảm rủi ro đã nêu ở phần trên. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhiều năm hoạt động có số lượng xe và chủ xe tham gia bảo hiểm nhiều, giải quyết bồi thường nhiều, chiếm thị phần lớn đã có đủ số liệu thống kê tính phí bảo hiểm theo các tiêu chi trên.
Thứ hai là cơ quan quản lý nhà nước cần phải công nhận cách tính phí trên là có cơ sở khoa hoc, tăng giảm phí theo mức độ rủi ro, không phải là cạnh tranh không lành mạnh hoặc áp đặt tăng phí mà là cách đối xử công bằng với khách hàng: rủi ro cao phí bảo hiểm cao, rủi ro thấp phí bảo hiểm hạ.
Thứ ba là trogn cách tuyên truyền của doanh nghiệp bảo hiểm, hạ phí cho người tham gia bảo hiểm nhiều năm liên tục không bị tổn thất được coi là thưởng cho khách hàng vì không có khiếu nại đòi bồi thường (no claim bonus). Đây là thông lệ của hoạt động kinh doanh bảo hiểm quốc tế. Vì vậy việc giảm phí (thưởng không phải bồi thường) được coi là một chi phí hợp lý hợp lệ không bị xuất toán.
Phùng Đắc Lộc
Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Quy định hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm chủ xe cơ giới
Hỏi: Tôi là chủ xe ôtô và đã mua bảo hiểm xe cơ giới. Vừa qua xe của tôi bị tai nạn giao thông đã hỏng nặng không thể sửa chữa được nên tôi muốn hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Xin đề nghị quý báo cho biết trường hợp nào thì được hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và thủ tục, giấy tờ giải quyết vấn đề này? Nguyễn Văn Hồng (Hà Nội).
Đáp: Căn cứ quy định hiện hành tại Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính “Quy định Quy tắc điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”. Tại điểm 5 phần II của Thông tư này quy định việc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới; trong đó có một số nội dung đáng chú ý sau đây:
1 – Hợp đồng bảo hiểm chỉ được hủy bỏ trong các trường hợp dưới đây:
– Xe cơ giới bị thu hồi đăng ký và biển số xe theo quy định của pháp luật.
– Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.
– Xe cơ giới hỏng không sử dụng được hoặc bị phá hủy do TNGT được cơ quan Công an xác nhận.
– Xe cơ giới bị mất được cơ quan Công an xác nhận.
2 – Chủ xe cơ giới muốn hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm phải có thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo giấy chứng nhận bảo hiểm muốn hủy bỏ và các giấy tờ bằng chứng về việc xe cơ giới thuộc đối tượng được hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm theo quy định trên. Và hợp đồng bảo hiểm được chấm dứt từ thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm nhận được thông báo hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
3 – Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho chủ xe cơ giới 70% phí bảo hiểm của thời gian hủy bỏ.
Doanh nghiêp bảo hiểm không phải hoàn phí bảo hiểm trong trường hợp mà hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực, nhưng chủ xe cơ giới yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm trong lúc xảy ra sự kiện bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bồi thường bảo hiểm
Ban PL-BĐ / Theo webbaohiem.net
Bảo hiểm xe cơ giới: Hiểu rõ để an tâm
Theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, người điều khiển xe không có giấy chứng nhận bảo hiểm sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng
Ngày 25-2, liên bộ Tài chính- Công an đã ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Đây là bảo hiểm bắt buộc
Nếu chỉ lưu thông bình thường trên đường mà không có những bất trắc xảy ra thì sẽ không ai nghĩ đi mua bảo hiểm làm gì. Nhưng khi không may xảy ra tai nạn giao thông, chủ xe phải có trách nhiện bồi thường cho người bị tai nạn do xe gây ra cả về tính mạng, tài sản và bồi thường cho cả hành khách ngồi trên xe (nếu có thiệt hại), lúc ấy mọi người mới thấy hết cái lợi của việc mua bảo hiểm. Trong trường hợp này, nếu chủ xe không mua bảo hiểm TNDS thì bản thân họ phải tự lo kinh phí để chi trả cho các khoản này và một khi không chi trả được do năng lực tài chính không có đủ sẽ gây khó khăn cho cả người bị thiệt hại và chủ xe. Chính vì những lý do như trên, chủ phương tiện xe cơ giới các loại bắt buộc phải mua bảo hiểm TNDS. Khi có tai nạn xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trực tiếp đứng ra lo tất cả các khoản bồi thường.
Để tạo điều kiện cho mọi công dân có thể mua bảo hiểm được dễ dàng, tại 27 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trên toàn lãnh thổ VN, hoặc tại các mạng lưới, phòng giao dịch, địa điểm bán bảo hiểm do các công ty này tổ chức ở khắp mọi nơi, thậm chí ở ngay các cửa hàng xăng dầu, những nơi đăng ký xe… đều có tổ chức bán bảo hiểm xe cơ giới với nhiều hình thức khuyến mãi. Về hình thức mua bảo hiểm, nếu chủ xe đã tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định trước đây (Nghị định 115/1997 và Quyết định 23/2007) thì nay phải mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định mới khi giấy chứng nhận cũ hết hiệu lực. Nếu chủ xe chỉ mới tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện TNDS, bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe, bảo hiểm vật chất xe… thì phải tham gia thêm bảo hiểm bắt buộc TNDS.
Quy định chi tiết về trách nhiệm các bên
Mua bảo hiểm thì dễ nhưng khi có sự cố xảy ra thì thủ tục làm hồ sơ bồi thường khá rắc rối. Chính vì vậy, hầu hết chủ xe cơ giới đều ngán ngại khi vấp phải hàng loạt các đòi hỏi về thủ tục của doanh nghiệp bảo hiểm, làm mất đi lòng tin của người tham gia bảo hiểm. Trong trường hợp này, thông tư liên bộ cũng đã quy định chi tiết. Theo đó, khi có tai nạn xảy ra, chủ xe phải cung cấp các loại tài liệu liên quan đến vụ tại nạn như giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực ,bản sao giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy, CMND hoặc hộ chiếu cho cơ quan công an. Sau khi đã có những giấy tờ này, cơ quan công an phải có trách nhiệm thu thập, hoàn chỉnh hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn cho doanh nghiệp bảo hiểm để hình thành hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào những chứng cứ đã có để bồi thường. Trong trường hợp tai nạn nhỏ, CSGT không có mặt ở hiện trường nên không có biên bản của công an thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể căn cứ vào khai báo của chủ xe, xác nhận của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn, hoặc thông qua công tác giám định nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm để căn cứ lập hồ sơ bồi thường.
Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho chủ xe số tiền mà chủ xe đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp chủ xe chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.
Mức phí có thời hạn bảo hiểm 1 năm
– Ô tô dưới 6 chỗ ngồi dùng cho cá nhân 345.000 đồng
– Ô tô từ 6 đến 11 chỗ ngồi 690.000 đồng
– Ô tô từ 12 đến 24 chỗ ngồi 1.104.000 đồng
– Ô tô trên 24 chỗ ngồi 1.587.000 đồng
– Xe máy dưới 50 phân khối 50.000 đồng
– Xe máy trên 50 phân khối 60.000 đồng
Mức bồi thường khi xảy ra tai nạn: Trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra cao nhất là 50 triệu đồng cho một người cho một vụ tai nạn. Mức bồi thường đối với thiệt hại về tài sản do môtô hai bánh, mô tô 3 bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự gây ra là 30 triệu đồng cho mỗi vụ tai nạn.
Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
1. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt; Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi làm thủ tục cấp đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (viết gọn là xe cơ giới) phải yêu cầu chủ xe xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
2. Lực lượng Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát khác có liên quan khi tuần tra kiểm soát nếu phát hiện người điều khiển phương tiện hoặc chủ xe cơ giới không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, thì phải lập biên bản, xử lý kịp thời theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và Nghị định số 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ với mức tiền phạt như sau:
– Phạt tiền 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe mô tô ba bánh và các loại xe cơ giới tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực;
– Phạt tiền 500.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe cơ giới tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2009 (đã đăng Công báo ngày 10/3/2009) và thay thế Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BCA-BTC ngày 07/11/2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn việc phối hợp thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới./.