Hỏi đáp bảo hiểm: Thiếu giấy bảo hiểm xe máy, phạt bao nhiêu?
Nếu thiếu giấy bảo hiểm xe máy sẽ bị phạt như thế nào? Cảnh sát cơ động (CSCĐ) có quyền xử phạt không? Vừa rồi tôi bị CSCĐ đòi 200.000 đồng nếu không sẽ giam xe 15 ngày và phạt hành chính 800.000 đồng. Nếu lần sau gặp phải những cảnh sát như vậy thì tôi nên làm thế nào là tốt nhất và có cách nào để tố cáo? Để biết được các mức xử phạt thì đọc sách nào? Có phải do tôi là người ngoài tỉnh đến Hà Nội học mà bị bắt nạt không? thanhcomk48@…
– Theo điều 29, nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16-9-2003 của Chính phủ và tiết a, tiểu mục 1.3, phần II thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 25-2-2009 của Bộ Tài chính và Bộ Công an, người điều khiển môtô, xe gắn máy, môtô ba bánh và các loại xe cơ giới tương tự không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền 100.000 đồng và lực lượng CSCĐ có thẩm quyền xử phạt hành vi này.
Căn cứ điều 54, khoản 3 điều 57 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi, bổ sung bởi pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2008, trong trường hợp của bạn, do mức phạt tiền tối đa là 100.000 đồng nên CSCĐ sẽ ra quyết định xử phạt tại chỗ và giao biên lai thu tiền phạt cho bạn. Còn nếu bạn không thể nộp tiền phạt tại chỗ, cảnh sát có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi bạn chấp hành xong quyết định xử phạt.
Nếu bạn không có những giấy tờ nói trên, cảnh sát mới được tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, cụ thể là xe máy của bạn. Do vậy, nếu cảnh sát nói rằng “phạt 200.000 đồng về hành vi không có giấy bảo hiểm xe máy, nếu không nộp phạt sẽ giam xe 15 ngày và phạt hành chính 800.000 đồng” là không đúng pháp luật.
Theo chúng tôi, dù ở bất kỳ tỉnh, thành nào thì khi ra đường bạn nên luôn mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết và tuân thủ Luật giao thông. Trong trường hợp bị xử phạt, bạn cần yêu cầu người xử phạt giao cho bạn quyết định xử phạt và biên lai thu tiền (trường hợp nộp tiền phạt tại chỗ). Các giấy tờ này là cơ sở để bạn có thể khiếu nại, tố cáo trong trường hợp quyết định xử phạt đó trái pháp luật.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý là cần khiếu nại, tố cáo với người có đúng thẩm quyền và còn trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Để nắm được các quy định về mức xử phạt khi vi phạm, ngoài các văn bản đã nêu ở trên bạn có thể tham khảo thêm nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14-9-2007 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nghị định 67/2008/NĐ-CP 29-5-2008 sửa đổi bổ sung nghị định 146/2007/NĐ-CP.
Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM / Theo báo Tuổi Trẻ
Nguồn tin: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/Tu-van-phap-luat/312678/Thieu-giay-bao-hiem-xe-may-phat-bao-nhieu.html