Thay đổi thói quen khách hàng để giảm phí bồi thường

Aug 13, 2011   //   by baohiemxemay   //   Bảo hiểm xe máy  //  No Comments
 
 

Ảnh minh họa                                   
                                Ảnh minh họa

(ĐTCK-online) Trong tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm 2011, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất với 31%, tương ứng 3.102 tỷ đồng. Nghiệp vụ đơn giản và dễ khai thác nên tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều đẩy mạnh hoạt động khai thác sản phẩm này, thậm chí nhiều doanh nghiệp mới vào thị trường coi bảo hiểm xe cơ giới là một trong những sản phẩm mũi nhọn.Tuy nhiên, về tỷ lệ bồi thường, xét theo cơ cấu nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới cũng luôn đứng vị trí thứ hai, thứ ba.

6 tháng đầu năm 2011, bồi thường bảo hiểm xe cơ giới đứng thứ ba với tỷ lệ thực bồi thường gốc 43%, chủ yếu là bồi thường vật chất xe. Các doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao ở nghiệp vụ này gồm: Phú Hưng (231%), ABIC (126%), Chartis (73%), Liberty (66%), Groupama (59%), Bảo Long và MIC (55%), Fubon (53%) và Bảo Ngân (51%).

Doanh thu cao nhưng bồi thường cũng cao khiến nghiệp vụ này thực tế không đem lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Đứng trước tỷ lệ thực bồi thường gốc quá cao, các doanh nghiệp bảo hiểm đều đang tìm mọi biện pháp nhằm “kéo” tỷ lệ bồi thường giảm xuống thấp nhất có thể.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều đang đưa ra mức phí áp dụng chung với mọi đối tượng khách hàng. Đây là điều bất hợp lý. Nguyên tắc bảo hiểm là khách hàng có rủi ro cao phải đóng phí bảo hiểm cao và ngược lại, khách hàng có rủi ro thấp thì đương nhiên được hưởng phí bảo hiểm thấp. Vì vậy, biểu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phải được phân loại chi tiết hơn, phù hợp với rủi ro của từng khách hàng, đảm bảo tính công bằng trong đối xử với khách hàng.

Ông Lộc đề xuất, rủi ro sử dụng xe khác nhau (xe công, xe cá nhân, xe kinh doanh vận tải) thì mức phí bảo hiểm phải khác nhau; loại xe khác nhau thì phí bảo hiểm cũng phải khác nhau; nếu có ý thức quản lý rủi ro cao thì khách hàng phải được hưởng phí bảo hiểm thấp và chủ xe tự gánh chịu rủi ro (một phần số tiền bồi thường) làm giảm rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được hưởng phí bảo hiểm thấp hơn.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới khách hàng các phương án tính phí mới. Chẳng hạn như Liberty, Công ty thực hiện tính phí bảo hiểm riêng cho từng xe. Không những thế, phí bảo hiểm tái tục sẽ dựa trên lịch sử bồi thường mỗi khách hàng trong những năm trước đó. Ví dụ, khách hàng của Liberty có thể được giảm đến 50% phí bảo hiểm tái tục nếu yêu cầu bồi thường ít hơn 3 lần/năm và số tiền bồi thường không vượt quá 300% phí bảo hiểm. Liberty cũng đang khuyến khích khách hàng lựa chọn mức miễn thường để nâng cao trách nhiệm bảo vệ tài sản.

Bảo Minh cũng đã áp dụng chương trình giảm phí cho khách hàng bằng cách lựa chọn mức miễn thường. Cụ thể, mức miễn thường chuẩn là 500.000 đồng/vụ. Nếu khách hàng lựa chọn mức miễn thường 1.000.000 đồng/vụ sẽ được giảm 5% phí tiêu chuẩn; mức miễn thường 2.000.000 đồng/vụ được giảm 15% phí tiêu chuẩn… Các doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng có những phương án khác nhau để giảm thiểu tỷ lệ bồi thường cho nghiệp vụ này. Trong đó, phương án khuyến khích khách hàng sử dụng mức miễn thường được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần khá lớn trên thị trường hiện nay chia sẻ, tâm lý khách hàng khi mua bảo hiểm muốn được bảo hiểm từ A đến Z khi chẳng may có tổn thất xảy ra, vì thế khách hàng thường chấp nhận đóng phí cao ngay từ đầu. Ví dụ, nếu chọn mức miễn thường, khách hàng có thể được giảm phí còn 1,35% thay vì đóng phí 1,5% nhưng khách hàng chỉ được bảo hiểm từ F đến Z, còn đoạn từ A đến E là khách hàng phải lo.

Tâm lý của khách hàng chưa thực sự thông suốt là trở ngại không nhỏ cho các doanh nghiệp. Theo ông Phùng Đắc Lộc, trong cách tuyên truyền của doanh nghiệp bảo hiểm, hạ phí cho người tham gia bảo hiểm nhiều năm liên tục không bị tổn thất được coi là thưởng cho khách hàng vì không có khiếu nại đòi bồi thường. Đây là thông lệ của hoạt động kinh doanh bảo hiểm quốc tế. Vì vậy, việc giảm phí (thưởng không phải bồi thường) được coi là một chi phí hợp lý hợp lệ không bị xuất toán. Ông Lộc kiến nghị, các cơ quan quản lý cần phải công nhận cách tính phí trên là có cơ sở khoa học, tăng giảm phí theo mức độ rủi ro không phải là cạnh tranh không lành mạnh.

Ngọc Lan
Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Leave a comment