Mũ bảo hiểm ‘siêu rẻ’ tràn lan trên phố
Những chiếc mũ bảo hiểm kiểu dáng thời trang nhưng giá chỉ 30.000 đến 80.000 đồng đang được bày bán tràn ngập đường phố Hà Nội. Tất cả đều không có tem kiểm định và làm từ nhựa tái chế.
Những chiếc mũ này với nhiều kiểu dáng thời trang, màu sắc nhưng không có tem đạt chuẩn trên đường Phạm Văn Đồng. |
Loại mũ này còn được bán theo hình thức di động trên đường Phạm Hùng. |
Không cố định một vị trí, khi cần thay đổi, chủ hàng lại nổ máy chạy đi chỗ khác để tiếp tục bày bán. |
Những chiếc mũ cần sạch sẽ để đội lên đầu nhưng có hàng lại được bày bán theo kiểu mất vệ sinh thế này. |
Nơi được bày bán nhiều nhất ở Hà Nội là đường Bưởi (ven sông Tô Lịch) và đường Láng. Các chủ hàng còn căng bạt che mưa nắng gây mất mỹ quan, lấn chiếm lối đi bộ. |
Theo quyết định của Bộ KH&CN ban hành năm 2008 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô xe máy, các loại mũ không đạt chuẩn sẽ không được phép sản xuất, lưu hành. |
Theo một người bán hàng, mũ được nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, các hộ gia đình cũng có thể tự sản xuất từ vật liệu là rác phế thải, nhựa tái chế… hoặc các đầu nậu chuyên cung cấp vật liệu sản xuất mũ bảo hiểm. Giá thành phẩm của một chiếc mũ bảo hiểm này khi đưa ra thị trường chỉ 10.000- 20.000 đồng một chiếc tùy loại. |
Từ giá nhập vào như trên, các chủ hàng trưng biển quảng cáo và bán với giá từ 30.000 đến 80.000 đồng một chiếc tùy loại. |
Một người khách mua mũ cho biết: “Tôi mua loại mũ này vừa đẹp vừa rẻ, dùng chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông chứ còn khi xảy ra tai nạn, mũ nào mà chả chết”. |
Không chỉ bán, các hàng mũ còn kiêm luôn việc sửa chữa. |
Hai thanh niên đi xe máy, một người không có mũ bảo hiểm đã dừng lại một hàng trên đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) mua tạm một chiếc chỉ với giá 30.000 đồng. |
Khánh Huyền / Vnexpress
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Sau mũ bảo hiểm là cấm xe máy ở đô thị lớn
BaoHiemXeMay.Net – Quy định đội mũ bảo hiểm là một dấu ấn trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng. Sắp mãn nhiệm kỳ, ông chia sẻ với PV Tiền Phong chuyện hậu trường của quyết định đột phá trên.
Bộ trưởng có ý đồ cá nhân?
Đề xuất của Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ về việc “bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy” vào thời điểm đó có gặp trở ngại khó khăn?
Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là câu chuyện bức xúc và trăn trở, nhất là đối với những người làm công tác đảm bảo An toàn giao thông (ATGT). Chúng tôi nhận thấy mặc dù thời điểm đó đã có những nghị quyết (NQ), giải pháp nhưng chưa thực sự đồng thuận trong dư luận, tổ chức thực hiện từ T.Ư xuống địa phương còn phân tán, hiệu quả chưa cao.
Chúng tôi thấy cần phải có chỉ thị của Chính phủ về tăng cường đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng chúng tôi thấy cần phải có thể thức văn bản ở mức cao hơn. NQ số 32/2007/NQ-CP được ra đời như vậy. NQ đề cập một nội dung đặc biệt là bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Tôi cho rằng đây là điểm nhấn của NQ này.
Nhưng lúc đó điều băn khoăn của dư luận lại chính là ở chỗ làm sao để triển khai tốt điểm nhấn mà trước đó nhiều nơi đã từng làm song kết quả khá bấp bênh?
Thực sự, chúng tôi cũng rất băn khoăn vì trước đây chúng ta cũng thực hiện nhiều quy định nhưng chưa thành công. Làm sao để lần này thành công được? Để làm được, trước hết về mặt pháp lý phải củng cố.
Trong khoảng 5-10 năm tới, nước ta sẽ có khoảng 1.000 km đường cao tốc đạt chuẩn như: HN-Thái Nguyên, Cầu Giẽ -Ninh Bình, HN-Lào Cai…
Trên tuyến QL 1A sẽ có những đoạn tuyến cao tốc như Đà Nẵng- Quảng Ngãi hay Phan Thiết – Bình Thuận. Bên cạnh đó, vẫn phải phát triển đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, huyện lộ. Một số đô thị sẽ triển khai các dự án đường sắt đô thị, metro… Đường biển phải có cảng trung chuyển quốc tế là Bà Rịa-Vũng Tàu; phía Bắc có cảng cửa ngõ quốc tế là Hải Phòng. Đường hàng không, sẽ nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và quy hoạch sân bay Long Thành, định hướng sân bay Tiên Lãng…” – Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng. |
Trước đó, thực hiện chỉ thị của Chính phủ đã có địa phương làm quyết liệt, yêu cầu tất cả phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng chỉ riêng địa phương đó thôi chưa đủ. Đã là đường giao thông thì phải liên thông với nhau, lẽ nào người tham gia giao thông đi đường này không phải đội mũ, đến đường kia lại đội mũ?
NQ 32 đưa ra 2 mốc, theo phương châm vết dầu loang, đánh từ ngoài vào. Một là, từ ngày 15-9-2007, yêu cầu bắt buộc phải đội mũ trên tất cả các tuyến quốc lộ. Phải thực hiện trước như vậy để rút kinh nghiệm đã. Sau đó, từ ngày 15-12-2007, mọi người đi xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm, không phân biệt tuyến đường nào.
Quyết tâm như vậy nhưng thực tế cũng phát sinh những câu hỏi như có nhất thiết phải đội mũ trong nội đô không vì tốc độ trong nội đô thấp, đội thì gò bó, khó chịu… Nhưng cuối cùng, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện đồng bộ, đã làm phải làm hết.
Thái độ của người dân khi đó ra sao, và ảnh hưởng như thế nào đến thành công trong thực hiện NQ 32-CP?
Lúc đó không khí đồng thuận cũng cao, nhưng không phải tất cả đều đồng thuận. Ngay trước ngày triển khai thực hiện, vẫn có những nghi ngờ về thành công. Có ý kiến cho rằng Bộ trưởng Bộ GTVT duy ý chí và thậm chí còn bóng gió về ý đồ cá nhân (đứng sau các DN sản xuất mũ bảo hiểm). Nhưng NQ đã ban hành, Chính phủ, Thủ tướng quyết tâm cao thì chỉ có cách là thực hiện quyết liệt.
Tôi cũng nhận thấy thời điểm đó nhận thức của xã hội đã cao hơn, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên phương tiện thông tin đại chúng. Hơn thế, lúc đó câu chuyện đội mũ bảo hiểm còn thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan quốc tế ở VN. Điều này giúp chúng tôi thêm vững tin khi thực hiện công việc.
Nghi vấn về yếu tố cá nhân có thể làm hỏng cả một chủ trương tốt. Trước tình huống đó, ông đã xoay sở ra sao để xóa tan nghi ngờ?
Lúc đó tôi rất cởi mở, tiếp xúc với báo chí nhiều để giải thích, kêu gọi ủng hộ. Báo chí và đài truyền hình rất quan tâm. Thực ra tôi không trả lời về những nghi ngờ đối với cá nhân tôi mà tôi kêu gọi sự đồng thuận vì đó là lợi ích của đất nước, dân tộc và của mỗi chúng ta.
Khi chưa có sự đồng thuận cao nhất, lại có những nghi ngờ này nọ, ông có thấy nản chí và lo lắng thất bại không?
Tôi không nản chí và cũng không nghĩ thất bại. Tôi chỉ không nghĩ rằng việc đó được thực hiện nhanh như thế.
Sau 3 năm thực hiện chủ trương này, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm?
Nếu như năm 2007, số người chết là 13.150 người thì năm đầu tiên thực hiện NQ 32 là 2008 giảm được 1.564 người (gần 11,8%). Con số này được thế giới công nhận và trong hội nghị ATGT toàn cầu lần đầu tiên tổ chức ở Mátxcơva (Nga), họ đã chọn hiện tượng này là 1 trong 6 điểm sáng của thế giới về thực hiện ATGT.
Sau đó, Hội nghị Bộ trưởng GTVT đã ra tuyên bố Mátxcơva và kiến nghị lên LHQ ra NQ về “Thập kỷ an toàn đường bộ 2011-2020” mà bây giờ chúng ta đang hưởng ứng thực hiện. Tổng cộng lại đến năm 2010, chúng ta giảm khoảng trên 1.700 người chết. Nếu như năm 2006, trung bình 1 ngày chết 36 người, thì giờ còn 31 người.
Trong khi đó, năm 2010 so với năm 2007, tổng sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách tăng gấp đôi; phương tiện tăng thêm 10 triệu chiếc. Nói vậy để thấy đó là cố gắng của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan đảm bảo ATGT.
Phải tính đến cấm xe máy ở một số đô thị lớn
Mới đây tình hình TNGT lại diễn biến khó lường. Chúng ta có nên tập trung vào các chuyên đề mới để quyết liệt thực hiện?
Trước tình hình TNGT như hiện nay, bất kể ai cũng lo lắng. Bộ GTVT đang tham mưu cho Chính phủ ra một NQ nữa và chọn điểm nhấn. Qua khảo sát, chúng ta có 32 triệu người điều khiển xe máy và tai nạn có đến 70% liên quan đến xe máy, đặc biệt có khoảng 80% trong số này có liên quan tới rượu bia.
Vấn đề hiện nay là cưỡng chế thi hành pháp luật với rượu bia như thế nào và theo tôi việc này còn khó hơn cả đội mũ bảo hiểm. Việc uống rượu, bia đã đi vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thói quen của người Việt. Giờ đây, phải tạo thói quen mới “đã uống là không cầm lái”.
Dự kiến NQ mới có nội dung chủ yếu gì và khi nào trình lên Chính phủ?
Bộ GTVT đã trình bước đầu. Luật hiện nay quy định lái xe ô tô không được uống rượu, không được có cồn trong máu, nhưng người điều khiển xe máy thì vẫn cho phép một mức độ nào đó. Bây giờ phải có chiến dịch tuyên truyền mạnh vấn đề này.
Các tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo không lạm dụng rượu bia; không được quảng cáo rượu bia, nếu có thì phải kèm theo khuyến cáo về tác hại, cũng giống như thuốc lá; rồi cấm bán rượu bia cho người điều khiển phương tiện, thậm chí chúng tôi đề nghị một số nơi không được kinh doanh rượu bia như: trạm nghỉ, dừng chân. Bên cạnh đó là tăng cường công cụ hỗ trợ, máy móc cho các chiến sĩ CSGT xử lý, các chế tài xử phạt…
Theo khuyến cáo của các chuyên gia giao thông, xe máy luôn là loại phương tiện mất an toàn và nguy cơ tai nạn rất cao. Vậy, Bộ GTVT có tính đến việc đề xuất hạn chế loại phương tiện này?
Đúng là như vậy, về lâu dài thì phải nghĩ tới việc hạn chế xe máy, tiến tới cấm ở những đô thị lớn. Nhà nước phải nghĩ đến việc phát triển giao thông công cộng như thế nào (đường cho xe bus, xe điện, xe điện ngầm…), phát triển cơ sở hạ tầng như thế nào?
Để làm được điều này đầu tiên phải xây dựng một đề án, có lộ trình. Nếu làm đúng lộ trình này cũng phải mất 10-15 năm. Còn bây giờ, phải có hạ tầng riêng cho xe máy. Ở những nơi có điều kiện, phải có đường phân làn cho xe máy riêng, tránh kiểu giao thông hỗn hợp. Những tuyến đường mới thì phải đầu tư có đường gom cho xe máy đi và người tham gia giao thông phải có thói quen chấp hành đúng làn đường quy định.
Đề án này của Bộ khi nào có thể trình Chính phủ?
Chúng tôi cố gắng cuối năm nay.
Trong lĩnh vực đảm bảo ATGT, ông thấy mình còn việc gì chưa hoàn thành và có cảm thấy day dứt?
Chính phủ giao cho Bộ GTVT làm đầu mối nhưng kết quả có thành công hay không lại phụ thuộc vào nhiều bộ, ngành và chính quyền địa phương, trong đó Bộ Công an đóng vai trò rất quan trọng. Cứ khi lực lượng Công an lơi lỏng là không thành công ngay. Thêm vào đó là vấn đề tuyên truyền, cưỡng chế thi hành pháp luật.
Việc ùn tắc giao thông, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, có trách nhiệm của Bộ GTVT. Tuy vậy, quy hoạch giao thông nằm trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch dân cư của cả một thành phố. Vậy nên không chỉ riêng một mình Bộ GTVT làm được, mà phải có giải pháp đồng bộ.
Cảm ơn Bộ trưởng.
Phùng Sưởng / Tiền Phong
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/545290/Sau-mu-bao-hiem-la-cam-xe-may-o-do-thi-lon-tpp.html
Thú chơi mũ bảo hiểm… ngàn đô “lên ngôi”
Gần đây, giới trẻ chuyển từ trào lưu “làm đẹp” cho mũ bảo hiểm (vẽ, đính thêm những họa tiết cho mũ…) sang xu hướng săn lùng mũ bảo hiểm độc, không đụng hàng với giá siêu đắt có thể lên tới cả… ngàn đô.
Thậm chí những chiếc mũ bảo hiểm đắt tiền còn cầu kỳ hơn khi được đính với cả… đá quý.
Siêu đắt và… độc nhất vô nhị
Tôi biết Hùng “mô tô” cách đây vài năm khi tìm hiểu về thú chơi xe cổ của dân chơi Hà thành. Tình cờ, tôi gặp lại anh và biết về anh ở một khía cạnh khác. Hùng “mô tô” giờ đắm đuối với thú sưu tầm mũ bảo hiểm. Hễ có ai giới thiệu, anh lại tìm đến xem hàng và đặt mua.
Hùng bảo tôi: “Dân chơi Hà thành giờ “sính” mũ bảo hiểm tính bằng ngàn đô. Ba tiêu chí được lựa chọn là “độc, đắt và đảm bảo tính an toàn”. Hùng nói, đầu tháng 4, anh được người bạn giới thiệu một địa chỉ bán hàng độc dành cho dân chơi xe trên mạng và đã sở hữu một chiếc mũ cao cấp nhập từ Mỹ về với giá 2.000 USD. Hùng khoe: “Tôi đang sở hữu 1 loạt mũ hiệu AGV, Shoei, Ruby, Harley…”.
Hùng “mô tô” vốn là dân chơi thạo xe và cũng thạo nhiều loại mũ bảo hiểm “độc”. Vì thế bộ sưu tập mũ của anh dù chỉ có 5 cái nhưng đều là mũ hiếm tìm ở Hà Nội. Anh bảo rằng: “Không phải ai cũng “chơi” được mũ bảo hiểm. Cái gì cũng phải có đam mê. Để có bộ sưu tập không dụng hàng, người chơi cũng phải học cách nhận biết và điều quan trọng là phải có kinh nghiệm nếu không sẽ trở thành “con gà” cho người bán… vặt lông”.
Hùng cho biết, trong câu lạc bộ motor mà anh tham gia có nhiều thành viên sở hữu những chiếc mũ bảo hiểm độc nhất vô nhị. Mũ bảo hiểm được sưu tầm hợp với loại xe và phong cách chơi xe của từng người. Ví dụ: Vinh thích chơi xe Vespa nên thích sưu tầm mũ bảo hiểm Ruby, hay dòng mũ dành cho dân sành Lambretta… Vinh đang sở hữu chiếc Ruby với mức giá 1.500 USD, được thiết kế lớp vỏ bằng Carbon nên trọng lượng siêu nhẹ, lớp da lót bên trong mũ được thợ thủ công thêu tay hoàn toàn, kết hợp cùng kiểu dáng thon gọn và đường bo viền mũ khỏe khoắn. Lâm- tay chơi xe Harley và xe thể thao lại chuyên sưu tập những chiếc mũ Harley Davidson, mũ AGV Blade, Caberg…
Hùng “mô tô” bật mí, Lâm đang sở hữu chiếc mũ Harley được đính đá quý, những đường chỉ thêu trên mũ được thêu thủ công rất tỉ mỉ và lạ. Hùng bảo rằng, không chỉ dân chơi xe mới dám bỏ tiền ra chơi mũ bảo hiểm “độc, xịn”, mà ngay cả giới trẻ cũng không ngần ngại chi tiền để sở hữu một chiếc mũ bảo hiểm AGV Blade có giá gần 5 triệu đồng, hay mũ hiệu Ruby lên tới 20 triệu đồng.
Quỳnh Chi- một nữ doanh nhân cho biết: “Tôi thích chơi xe Vespa cổ và lùng bằng được những chiếc mũ hợp với nó. Chiếc mũ bảo hiểm Borsalino là chiếc tôi khá ưng ý, giá cũng không quá đắt, chỉ khoảng… 9 triệu đồng. Mũ Borsalino được làm thủ công kết hợp cùng chất liệu vải cao cấp và da thật với phong cách cổ điển, lịch lãm”.
Quỳnh Chi tỏ ra rất biết chơi về nhiều dòng mũ bảo hiểm. Cô cho biết, gần đây, nhiều người chuộng mũ bảo hiểm dành cho những bạn trẻ hiện đại yêu thích dòng xe cổ điển với kiểu dáng trang nhã và lịch sự Lambretta. Đối với người yêu Vespa cổ, những mẫu mũ bảo hiểm được thiết kế chuyên dụng, mang kiểu dáng mềm mại nhưng chắc chắn và đậm phong cách ý dường như là món đồ không thể bỏ qua.
Lambretta cũng không hề kém cạnh khi trên thị trường vừa xuất hiện thêm một bộ sưu tập mũ bảo hiểm mới dành cho dòng Scooter cổ (mũ bảo hiểm St. George, Nero, Bianco, Union Jack, Britalia…). Bộ sưu tập mũ này cũng lên tới 1.200 USD. Quỳnh Chi cười và nói: “Tôi cũng đang sở hữu một chiếc mũ bảo hiểm mà giá trị của nó cũng khá đắt đỏ – 42 triệu đồng. Cũng đã có người ngỏ ý mua lại nhưng tôi không bán. Chiếc mũ này cũng thuộc hàng “độc” nhất Hà Nội”.
“Sành điệu” cần am hiểu thương hiệu(?!)
Nói về phong cách “chơi” mũ bảo hiểm, theo Hùng “mô tô”, giới thượng lưu thường thể hiện đẳng cấp và phong cách riêng qua các sản phẩm tiêu dùng. Từ những bộ ghế sofa, chiếc xe hơi cho đến những vật nhỏ nhắn hơn như: Quần áo, túi xách, giày dép… Nhưng để là một người sành điệu đúng nghĩa trước phải hiểu về những thương hiệu mà mình đang sử dụng.
Mũ bảo hiểm Ruby là một thương hiệu được rất nhiều người ưu chuộng, tất nhiên là không phải ai cũng có thể sở hữu vì giá cả của mỗi chiếc mũ bảo hiểm Ruby không hề rẻ, giá dao động từ 16 triệu đồng trở lên. Hùng tỏ ra am hiểu về dòng mũ Ruby. Anh bảo: “Thương hiệu Ruby được tạo ra bởi nhà thiết kế người Pháp Jerome Coste, mỗi chiếc mũ bảo hiểm Ruby không đơn thuần chỉ có tác dụng bảo vệ, che chắn mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Ruby trở thành một thương hiệu được ưa chuộng trên toàn thế giới thời gian qua. Tất cả mũ bảo hiểm Ruby đều được được sử dụng sợi carbon, một công nghệ thừa hưởng từ ngành hàng không, đảm bảo về độ bền vững tuyệt đối và trọng lượng nhẹ”.
Theo tìm hiểu của PV, mũ bảo hiểm hiệu HJC đang là nhãn hiệu được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Phần lớn người mua đều hướng tới tính an toàn của mũ và lựa chọn mũ với giá phải chăng từ 1,1- 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh dòng sản phẩm “xoàng xoàng”, nhiều bạn trẻ chi cả chục triệu đồng để được sở hữu chiếc mũ vừa thời trang lại ít đụng hàng.
Lê Hải (sinh viên năm thứu 4 Đại học Bách Khoa) đang sở hữu chiếc mũ hiệu HJC (mũ R-PHA) phiên bản của tay đua Ben Spies đội Monster Yamaha Tech 3 với giá 8,4 triệu. Hải cho biết: “Tôi thích đội mũ dòng HJC vì vỏ mũ được sản xuất từ nhựa ABS nguyên sinh, chịu được sự va đập mạnh và đâm xuyên cao, đảm bảo sự an toàn tối đa cho người sử dụng. Thân mũ được sơn ba lớp bằng công nghệ sơn hiện đại và rất nhiều tính năng hữu ích khác”.
Đón đầu xu hướng để kiếm bộn tiền
Trên phố Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bán rất nhiều loại mũ bảo hiểm thuộc loại cao cấp và đắt tiền như Shoei hay Zeus. Giá dao động từ 1-4 triệu đồng. Cô Lê Ngà, một người bán hàng ở đây cho biết: “Giới trẻ đa phần thường chọn mũ của những thương hiệu sản xuất có tiếng trên thế giới. Ngoài ra, kiểu dáng đẹp, hầm hố, thể thao cũng hấp dẫn những khách hàng trẻ tuổi hơn. Những loại mũ cao cấp, người tiêu dùng chọn kiểu mũ có kích thước lớn, lớp mút và xốp dầy. Giá cả những loại mũ này từ 700 ngàn- 3 triệu đồng. Mũ HJC cũng bán khá chạy giá từ 534 ngàn- 979 ngàn đồng, loại “khủng” nhất có giá tới 8,4 triệu đồng”. Theo quảng cáo của cô Ngà, hiện nay mũ bảo hiểm Ruby được giới trẻ “săn” nhiều nhất.
Trên mạng, nhan nhản những thông tin rao bán mũ bảo hiểm độc dành cho dân chơi. Theo quảng cáo, tôi gọi điện đến số 0988. 240 xxx để đặt hàng. Chủ nhân của số điện thoại quảng cáo: “Mình cung cấp nhiều mẫu mũ bảo hiểm độc chỉ dành cho dân chơi mũọ Ruby được làm từ Carbon, siêu nhẹ; mũ Caberg có thiết kế thoáng khí trên nóc mũ cho người dùng; mũ Andes nhập ngoại… Nếu bạn nào lấy nhận order khi đặt trước 50% số tiền… Ngoài ra, mình còn cung cấp loại hàng cao cấp từ ngày xưa, loại này có 2 loại – loại nhập từ Mỹ về hàng mới 100% đặt trước 50% tiền xong 3 ngày sớm nhất sẽ có hàng. Loại 2 là hàng có sẵn cũng thế nhưng hơi cũ vì từ thời lính ngụy…”.
Trước xu hướng săn lùng mũ bảo hiểm “độc, đắt tiền” của giới trẻ, nhiều cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm cũng chuyển hướng kinh doanh mũ cao cấp và đó cũng là cơ hội kiếm bộn tiền.
Mua “cốp” mũ bảo hiểm chống trộm
“Thửa” được những chiếc mũ bảo hiểm “độc”, dân chơi cũng không ngần ngại chi tiền “tậu” thêm thiết bị chống trộm mũ. Theo một tay chơi, giá mũ bảo hiểm đắt đỏ khiến cho việc bảo vệ mũ cũng phải cầu kỳ hơn.
Với những dòng xe có cốp to đựng vừa mũ thì không có gì phải lăn tăn, còn những dòng xe không có cốp, nhiều chỗ không nhận trông mũ, chủ nhân của những chiếc mũ ngàn đô phải “thửa” riêng cho mình cốp đựng mũ rời lắp thêm vào xe hoặc thiết kế khoá chống trộm.
Tại các cửa hàng bán mũ bảo hiểm, cốp rời của xe thì đủ các loại kích cỡ, màu sắc. Có hơn 20 kiểu cốp khác nhau, thể tích từ 1 đến 4 mũ. Chạy nhất vẫn là cốp hãng Honda, với giá dao động khoảng 400 – 500 ngàn đồng/chiếc. Nhưng để lắp được cốp, lại phải mua thêm giá đỡ với giá 70- 100 ngàn đồng. Nhiều cửa hàng rao bán “cốp thửa” giá khá đắt đỏ khoảng 1 triệu đồng/chiếc.
Với giới trẻ có thể mũ bảo hiểm không đắt tiền nhưng giữa mũ và trang phục cần tạo dấu ấn.
Chấn thương sọ não do đội mũ bảo hiểm thiếu chất lượng
Theo báo cáo từ Bộ Y Tế Việt Nam, tỷ lệ chấn thương sọ não từ những vụ tai nạn giao thông, mà người đi xe gắn máy có đội mũ bảo hiểm nhưng không đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn, là gần 16%.
Báo cáo cũng nói đó là do ý thức người sử dụng chưa cao nên cần được cảnh giác nhiều hơn.
Từ giữa năm 2007, Việt Nam ban hành nghị quyết 32 người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Khi qui định chính thức có hiệu lực cuối 2007, 98% người đi xe gắn máy có mũ bảo hiểm so với chỉ ba hoặc bốn phần trăm trước đó.
Tính đến cuối 2008, tỷ lệ tử vong vì tai nạn xe cộ giảm hơn 12%, tỷ lệ chấn thương sọ não trong tai nạn giao thông giảm 24%.
Có thể nói mô tô hoặc xe gắn máy vẫn là phương tiện lưu thông phổ biến nhất trong nước. Trong những dịp lễ hội hay Tết nhất, tai nạn giao thông thường tăng vọt bởi tình trạng say rượu lái xe, lái ẩu, bị xe khác tông phải, đua xe trên đường vân vân…
Số liệu của Bộ Y Tế cho thấy cứ trong một trăm vụ tai nạn xe cộ thì gần mười sáu vụ bị chấn thương sọ não do người chạy xe đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn.
Ham rẻ
Theo nhận định của các cơ quan chức năng Việt Nam, việc sử dụng mũ bảo hiểm không an toàn phát sinh từ ý thức chưa cao, chuộng giá rẻ mà không đặt nặng vấn đề an toàn như một điều kiện cần thiết.
Không chỉ Bộ Y Tế , các cơ quan chức năng khác như Bộ Khoa Học Công Nghệ hay Tổng Cục Đo Lường Chất Lượng Việt Nam, cũng nhiều lần khuyến cáo chuyện những loại mũ bảo hiểm kém chất lượng bày bán ở nhiều nơi trong thành phố.
Cô Hoàng Thị Na Hương, phó giám đốc điều hành Quĩ Phòng Chống Thương Vong Châu Á, một tổ chức phi chính phủ từ nước ngoài, chuyên hỗ trợ và vận động tích cực việc người người đội mũ bảo hiểm khi chạy xe gắn máy, cũng là phó tổng giám đốc công ty sản xuất mũ bảo hiểm Protec ở Hà Nội, cho biết:
“Trên những vỉa hè lòng đường ở các thành phố người ta vẫn bán những loại mũ bảo hiểm chỉ có giá ba mươi nghìn. Với giá như thế thì chắc chắn là chất lượng không đạt yêu cầu rồi.
Qui chuẩn QCVN 2:2008, do Bộ Khoa Học Và Công Nghệ ban hành, đưa ra những tiêu chuẩn cho nhà sản xuất, qui định với mũ một phần hai thì yêu cầu về độ va đập, độ đâm xuyên cũng như quai đeo của mũ, độ ổn định của mũ, đều rất là rõ ràng.
Trên những vỉa hè lòng đường ở các thành phố người ta vẫn bán những loại mũ bảo hiểm chỉ có giá ba mươi nghìn. Với giá như thế thì chắc chắn là chất lượng không đạt yêu cầu rồi.
Cô Hoàng Thị Na Hương
Tuy nhiên trong quá trình sản xuất thì đã có những đơn vị sản xuất không chú trọng. Trong công tác thử mũ thì hệ thống máy móc ở tại bên mình cũng chưa phổ biến để bất kỳ lúc nào nhà sản xuất muốn thử nghiệm chất lượng thì đều thử được. Thế thì vấn đề tất nhiên là trách nhiệm của những nhà sản xuất, trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhưng mà chính những người tiêu dùng đã tiếp tay cho những sản phẩm này được bầy bán trên thị trường.”
Vẫn theo lời cô Na Hương, nếu người tiêu dùng đọc kỹ những khuyến cáo từ chính phủ, từ các phương tiện thông tin báo chí, đọc kỹ những hướng dẫn của những thương hiệu mũ bảo hiểm đã đạt tiêu chuẩn tại Việt Nam thì họ sẽ không bao giờ đồng ý mua những nón bảo hiểm với giá ba mươi nghìn đồng mà hoàn toàn không đạt chất lượng.
Thực ra không phải người trong nước thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về tầm quan trọng và độ an toàn cần thiết của mũ bảo hiểm cho mình và cho con cái, song thực tế cũng không thiếu những người đội mũ an toàn chỉ với mục đích đối phó với cảnh sát giao thông hơn là bảo vệ tính mạng của mình và của con em mình.
Thực tế cũng cho thấy vì không tin tưởng nơi chất lượng của những nón bảo hiểm bán trên hè phố, nhiều người khi đi du lịch qua Thái Lan hay Singapore chẳng hạn, đã mua về những chiếc mũ bảo hiểm trông thật kiên cố, trong lúc ở nhà cũng có những công ty sản xuất có chất lượng và độ an toàn cao.
Cách kiểm tra mũ bảo hiểm đạt chuẩn
Vẫn cô Na Hương, phó tổng giám đốc công ty sản xuất mũ bảo hiểm Protec, nói rằng sản phẩm đạt chuẩn phải có tem CR của Tổng Cục Đo Lường Chất Lượng Việt Nam.
“Trên mũ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của nhà sản xuất, để những gì người tiêu dùng thắc mắc thì có thể liên hệ.
Lớp EPS ở phía trong là thành phần quan trọng nhất của chiếc mũ bảo hiểm, giúp hấp thụ lực xung động khi xảy ra sự va đập.
Cô Hoàng Thị Na Hương
Ngoài ra, liên quan đến nguyên vật liệu của mũ thì khách hàng cần kiểm tra lớp EPS ở phía trong. Lớp EPS ở phía trong là thành phần quan trọng nhất của chiếc mũ bảo hiểm, giúp hấp thụ lực xung động khi xảy ra sự va đập. Người tiêu dùng phải kiểm tra lớp xốp có độ bóng mịn và chắc, đảm bảo độ ghì chặt an toàn.
Còn khóa mũ và bề ngoài của mũ thì có thể nhìn và đánh giá chứ không nhất thiết phải thử nghiệm. Tuy nhiên để có cảm giác thoải mái thì dây quai mũ phải có bộ phận điều chỉnh được cho phù hợp với khuôn mặt cũng như cái dạng đầu của mình chứ không phải mua như thế nào thì đội như thế ấy luôn. Qui chuẩn QCVN2: 2008 cũng đã có qui định về phép thử rất rõ ràng để đảm bảo cái khóa mũ đấy đạt chuẩn.”
Sau ba năm luật về người chạy xe gắn máy phải có mũ bảo hiểm được ban hành thì số lượng thiếu nhi đội mũ bảo hiểm xem ra còn thấp. Theo kết quả thăm dò mới rồi của Quĩ Phòng Chống Thương Vong Châu Á, trung bình 30% trẻ em thành phố từ sáu đến mười bốn tuổi có đội mũ bảo hiểm khi được chở trên xe gắn máy. Tại thôn quê thì trung bình chỉ 18% mà thôi.
Những số liệu về tử vong hay thương vong do tai nạn xe cộ, đặc biệt bị chấn thương sọ não do chạy xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội nhưng nón không đúng tiêu chuẩn, vẫn được cập nhật thường xuyên. Tại Việt Nam, cơ quan được chỉ định để thu thập những số liệu này là Bộ Công An phối hợp cùng Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia.
Tưởng cần biết 70% các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam đến từ người chạy xe mô tô hay xe máy, 88,14% thiệt mạng do chấn thương sọ não.
Mỗi năm bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh nhận ba chục ngàn ca chấn thương sọ não trong tai nạn xe. Trung bình mỗi năm từ một ngàn tư đến một ngàn sáu trăm người chết tại bệnh viện do bị xe tông gây thương tích ở đầu.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Để mũ bảo hiểm thật sự phát huy tác dụng
BaoHiemXeMay.Net – Mũ bảo hiểm cho người đi xe máy nói chung cần đạt được yêu cầu. Nếu xảy ra tai nạn giao thông, chiếc mũ có tác dụng bảo vệ phần đầu của nạn nhân, giảm nguy cơ bị chấn thương sọ não…
Như chúng ta đã biết, cơ quan chức năng đã hơn 1 lần ban hành Tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật an toàn mũ bảo hiểm, kể cả loại có hàm và loại không có hàm cho người đi môtô (dung tích xilanh trên 50 cm3, biển kiểm soát có 1 chữ cái); xe gắn máy (dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, biển kiểm soát có 2 chữ cái, học sinh đủ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển). Thí dụ Tiêu chuẩn mũ bảo hiểm TCVN 5756-1993 (ban hành năm 1993) và Tiêu chuẩn TCVN 5756: 2001 (ban hành năm 2001)…
Tuy nhiên, qua thực tế cấp cứu rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông, các bác sỹ bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội) khuyến cáo: mũ bảo hiểm loại có hàm mới phát huy được tác dụng bảo vệ người đi mô-tô, xe gắn máy trên đường quốc lộ.
Một sơ hở thứ hai cần nói tới là chế tài xử lý người đi môtô, xe gắn máy vi phạm Luật Giao thông hiện hành, không có quy định cụ thể đội mũ bảo hiểm phải đạt Tiêu chuẩn chất lượng (TCVN) nào? Cấu tạo mũ (phần vỏ cứng, phần đệm hấp thu xung động bên trong thân mũ, phần kính chắn gió)… ra sao? Khiến CSGT đinh ninh rằng chất lượng mũ bảo hiểm thuộc trách nhiệm nhà sản xuất, người buôn bán và cơ quan quản lý thị trường, cơ quan ban hành Tiêu chuẩn mũ.
Nguyễn Thành Lập
LTS Dân trí-Từ chỗ mọi người đi các loại xe máy nói chung đều không đội mũ bảo hiểm, cho đến nay hầu như mọi người đi xe máy đã có thói quen đội mũ bảo hiểm. Đó là bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại mũ bảo hiểm chưa bảo đảm an toàn, mặt khác cũng chưa có chế tài xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn như bài viết trên đây đã phản ánh.
Vì vậy, rất cần bổ sung những quy định có tính bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất và bán mũ bảo hiểm phải đúng quy chuẩn an toàn, cũng như quy định trách nhiệm của cảnh sát giao thông có quyền phạt những người đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn.