Khách hàng của bảo hiểm xe cơ giới phải được đối xử công bằng
Hiện nay trên thị trường bảo hiểm, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đưa ra mức phí áp dụng chung với mọi đối tượng khách hàng. Điều này chưa đảm bảo được tính công bằng.Nguyên tắc bảo hiểm là khách hàng có rủi ro cao phải đóng phí bảo hiểm cao và ngược lại.
Khách hàng có rủi ro thấp thì đương nhiên được hưởng phí bảo hiểm thấp.Vì vậy, biểu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phải được phân ra chi tiết hơn, phù hợp với rủi ro của từng khách hàng, đảm bảo tính công bằng trong đối xử với khách hàng.
1. Rủi ro sử dụng xe khác nhau, mức phí bảo hiểm khác nhau
Có 3 đối tượng sở hữu khai thác sử dụng xe là xe cá nhân, xe công và xe kinh doanh vận tải.
Xe cá nhân được người chủ có ý thức chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tốt nhất. Họ thường là chủ xe kiêm lái xe nên nếu xảy ra tai nạn họ có thể bị thiệt hại cả về tính mạng, sức khoẻ và tài sản của chính họ nên ý thức đề phòng hạn chế tai nạn tốt nhất. Xe cá nhân có thời gian và phạm vi lưu thông trên đường ít hơn 2 đối tượng trên nên mức độ rủi ro sẽ thấp hơn.
Xe công cũng được quản lý tương đối chặt chẽ, không dễ gì được chi tiền từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, xe công có thời gian và phạm vi lưu thông trên đường ít hơn xe kinh doanh vận tải. Xe công thuộc đối tượng rủi ro trung bình.
Xe kinh doanh vận tải thường lái xe là người làm công ăn lương cho chủ xe, có phạm vi hoạt động và thời gian hoạt động nhiều nhất. Thậm chí xe đường dài hoặc taxi hoạt động suốt ngày đêm trên khắp mọi miền đất nước. Hiện nay chủ xe thường khoán cho lái xe giờ phải giao hàng, trả khách nên phải phóng nhanh vượt ẩu tạo nên mức độ rủi ro cao nhất.
2. Loại xe khác nhau rủi ro khác nhau, phí bảo hiểm khác nhau
Các hãng sản xuất xe (Honda, Toyota, Huyndai…) cung cấp sản phẩm có đặc tính, đặc trưng khác nhau (Toyota có Camry, Innova…) nên rủi ro khác nhau.
Ngay 1 loại sản phẩm của hãng (nhãn hiệu xe) cũng cho ra đời nhiều dòng sản phẩm (seri) khác nhau. Đi liền với dòng sản phẩm này là những đòi hỏi về máy móc, trang thiết bị nội thất, trang thiết bị đảm bảo an toàn, mức độ sẵn có của phụ tùng thay thế, yêu cầu kỹ thuật sửa chữa khi hư hỏng tai nạn để đảm bảo an toàn xe sau sửa chữa… Đó là những yếu tố làm tăng hay giảm rủi ro, từ đó sẽ làm tăng hay giảm phí bảo hiểm. Ví dụ loại xe từ khi khởi động đến khi đạt tốc độ trung bình quá nhanh tuy thuận tiện cho người lái xe nhưng lại là nguyên nhân rủi ro tai nạn lớn. Xe có lắp camera thuận lợi cho điều khiển xe, hệ thống định vị xe cảnh báo rủi ro sẽ làm cho rủi ro tai nạn giảm đương nhiên được hưởng phí bảo hiểm giảm.
3. Ý thức quản lý rủi ro cao sẽ hưởng phí bảo hiểm thấp
Việc đánh giá ý thức quản lý rủi ro bảo hiểm được định tính bằng số lần xảy ra rủi ro tai nạn đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường. Nếu lấy chuẩn xe mới mua bắt đầu tham gia bảo hiểm hưởng mức phí bảo hiểm theo hệ số 1 thì mỗi lần xe gây tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường nếu tiếp tục tham gia bảo hiểm cho năm mới thì phải tăng phí bảo hiểm theo một tỷ lệ tương ứng. Ngược lại, xe tham gia bảo hiểm có nhiều năm không xảy ra tổn thất sẽ được giảm phí bảo hiểm.
Kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước Đông Nam Á chia ra 8 mức giảm phí bảo hiểm cho 14 năm hoạt động của xe (2 năm đầu mỗi năm 1 mức giảm, sau đó 2 năm 1 mức giảm). Năm đầu tiên tham gia bảo hiểm không có tổn thất được giảm 1 mức phí, 2 năm tham gia bảo hiểm không xảy ra tổn thất được giảm mức phí tiếp theo và sau đó cứ 2 năm tiếp theo không xảy ra tổn thất lại được giảm 1 mức phí.
4. Chủ xe tự gánh chịu rủi ro (một phần số tiền bồi thường) làm giảm rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được hưởng phí bảo hiểm thấp hơn
Trong nghiệp vụ bảo hiểm được gọi là mức khấu trừ, thường là một số tiền nhất định cho một vụ tổn thất như 1 triệu đ, 2 triệu đ, 3 triệu đ, 4 triệu đ, 5 triệu đ. Thực chất chủ xe chấp nhận một phần thiệt hại tài chính của mình trong phạm vi khả năng tài chính của họ với các tổn thất xảy ra không đòi bảo hiểm bồi thường 100% thiệt hại. Việc làm này chủ xe tự khẳng định mình luôn đề phòng hạn chế tai nạn xảy ra và nhất là tránh những tai nạn xảy ra gây tổn thất nhỏ trong phạm vi mức khấu trừ không được giải quyết bồi thường. Đồng thời khi tổn thất nhỏ xảy ra, chủ xe tự gánh chịu không đòi doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thì đương nhiên họ không bị tăng phí khi tái tục hợp đồng bảo hiểm mới. Chủ xe chấp nhận mức khấu trừ càng cao thì phí bảo hiểm càng giảm.
5. Các giải pháp thực hiện
Trước hết các doanh nghiệp bảo hiểm phải tính lại phí bảo hiểm theo các tiêu chí tăng giảm rủi ro đã nêu ở phần trên. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhiều năm hoạt động có số lượng xe và chủ xe tham gia bảo hiểm nhiều, giải quyết bồi thường nhiều, chiếm thị phần lớn đã có đủ số liệu thống kê tính phí bảo hiểm theo các tiêu chi trên.
Thứ hai là cơ quan quản lý nhà nước cần phải công nhận cách tính phí trên là có cơ sở khoa hoc, tăng giảm phí theo mức độ rủi ro, không phải là cạnh tranh không lành mạnh hoặc áp đặt tăng phí mà là cách đối xử công bằng với khách hàng: rủi ro cao phí bảo hiểm cao, rủi ro thấp phí bảo hiểm hạ.
Thứ ba là trogn cách tuyên truyền của doanh nghiệp bảo hiểm, hạ phí cho người tham gia bảo hiểm nhiều năm liên tục không bị tổn thất được coi là thưởng cho khách hàng vì không có khiếu nại đòi bồi thường (no claim bonus). Đây là thông lệ của hoạt động kinh doanh bảo hiểm quốc tế. Vì vậy việc giảm phí (thưởng không phải bồi thường) được coi là một chi phí hợp lý hợp lệ không bị xuất toán.
Phùng Đắc Lộc
Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam