Browsing articles tagged with "bảo hiểm việt nam | Bảo hiểm xe máy PJICO, Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, AAA"

Thị trường Bảo hiểm Việt Nam dưới góc nhìn của người trong cuộc

Aug 21, 2011   //   by root   //   Tin tức  //  No Comments

Thị trường bảo hiểm Việt Nam, những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, sự phát triển thường bao giờ cũng kéo theo nhiều điều bất cập, đòi hỏi các công ty bảo hiểm phải có những chiến lược cụ thể để tồn tại và phát triển.

Nhân viên bảo hiểm

Nhân viên bảo hiểm

Tổng quan thị trường bảo hiểm Việt Nam

Việt Nam sau 15 năm mở cửa thị trường,  nền kinh tế có những biến chuyển mạnh mẽ. Thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung và lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng cũng ngày càng được mở rộng với sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế vào việc kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Tính đến nay, Việt Nam đã có 28 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 10 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoạt động. Ngoài ra còn có sự hiện diện của hơn 33 văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm và công ty môi giới bảo hiểm nước ngoài.

Rất nhiều loại sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ liên quan tới bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm… đã được công ty triển khai cung cấp cho khách hàng đáp ứng phần nào nhu cầu phong phú, đa dạng của người tham gia bảo hiểm và tạo được sự lựa chọn mang tính cạnh tranh cho khách hàng.

Nhân viên bảo hiểm AAA

Nhân viên bảo hiểm AAA

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhất là  trong thời gian 5 năm gần đây tăng khoảng 22%, (theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam) đã cho thấy thế mạnh và bước đột phá lớn của ngành bảo hiểm Việt Nam. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng mạnh thông qua vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ làm cho khả năng thanh toán và mức giữ lại của từng doanh nghiệp bảo hiểm nâng lên rõ rệt, tăng khả năng nhận tái bảo hiểm từ đó tạo ra nguồn vốn lớn để đầu tư lại cho nền kinh tế quốc dân.

Hoạt động đầu tư của các Doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò của mình. Đây thực sự là một kênh huy động vốn quan trọng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cơ cấu vốn đầu tư đã chuyển mạnh từ đầu tư ngắn hạn và chủ yếu là gửi tại các tổ chức tín dụng nay chuyển sang đầu tư dài hạn theo các danh mục đầu tư như: mua trái phiếu chính phủ, đầu tư trực tiếp các kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống….

Song song cùng với sự phát triển về số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như sự mở rộng quy mô hoạt động, số lượng người làm việc trong ngành bảo hiểm cũng tăng lên đáng kể, tạo công ăn việc làm cho hơn 14.000 cán bộ, nhân viên và trên 140.000 đại lý bảo hiểm.

Những yếu tố tạo đà cho sự phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam

Kiểm tra hệ thống IT (CNTT) bảo hiểm AAA

Kiểm tra hệ thống IT (CNTT) bảo hiểm AAA

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây. Đó là do sự ổn định về chính trị, kinh tế cũng như chính sách mở cửa làm cho Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài  từ đó làm gia tăng và thu hút nhiều hơn vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Thêm nữa, Chính phủ đã có những giải pháp thích hợp giúp nền kinh tế nước nhà vượt qua những bước thăng trầm của cuộc khủng hoảng kinh tế, tạo điều kiện cho thu nhập của người dân được cải thiện từ đó thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm. Môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra hành lang vững chắc cho các doanh nghiệp tự do hoạt động theo khuôn khổ pháp luật; đặc biệt thị trường tài chính Việt Nam phát triển không ngừng với sự tham gia của các tổ chức tài chính – tín dụng trong và ngoài nước đã tác động không nhỏ tới thị trường bảo hiểm nói riêng.

Để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển ổn định và bền vững Bộ Tài chính, cụ thể là Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm ngoài việc tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty bảo hiểm nên đưa ra những chính sách ưu tiên cộng đồng đồng hóa rủi ro thông qua việc đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm với các doanh nghiệp trong nước trước khi chuyển tái rủi ro ra nước ngoài. Đây là cơ hội giúp các công ty trong nước có thể nâng cao năng lực tài chính thông qua hình thức nhận nhượng chia sẻ rủi ro để có cơ hội phát triển.  

Mặt khác, do tính chất khắc nghiệt của việc cạnh tranh ngày càng gay gắt, buộc các công ty bảo hiểm phải chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng mạng lưới phân phối và điều quan trọng là đánh thức nhu cầu bảo hiểm từ người dân thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ giám định và giải quyết bồi thường. Ngày nay, bảo hiểm không còn là từ quá xa lạ với cộng đồng xã hội. Người dân đã bắt đầu nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của bảo hiểm đối với cuộc sống cộng đồng và cuộc sống cá nhân. Chính sự tương tác này đã làm cho “miếng bánh” thị phần bảo hiểm được mở rộng chứ không bị thu hẹp, co cụm như thời gian trước đó.

Động thái của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

  Trong thời gian tới, giai đoạn từ 2010-2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phát triển và biến chuyển không ngừng. Điều đó mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Gần đây việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và đầu tư trong nước phát triển nhanh chóng,  kéo theo ngành BH cũng phát triển, nhất là đầu tư ngành nghề mới, công nghệ cao như đóng tàu, xây dựng đường tàu điện ngầm, xây dựng ngành điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng nhà máy lọc dầu, điện nguyên tử, vệ tinh, sản xuất linh kiện máy bay… Đây là tiềm năng cho BH xây dựng lắp đặt, BH tài sản, BH kỹ thuật, BH trách nhiệm phát triển.

Xã hội phát triển, lộ trình cổ phần hóa là điều tất yếu. Chế độ sở hữu tư nhân buộc chủ doanh nghiệp muốn bảo toàn vốn và tài sản trước mọi rủi ro phải nghĩ tới nhu cầu cần được BH. Pháp luật ngày càng hoàn thiện và mang tính tương thích với nhau nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, của DN ngày một tốt hơn cũng khiến nhu cầu BH phát sinh như: BH trách nhiệm nghề nghiệp bác sĩ, luật sư, tư vấn thiết kế…; BH tài sản; BH rủi ro tài chính; BH trách nhiệm sản phẩm của các tổ chức sản xuất, kinh doanh; BH trách nhiệm dân sự của các chủ doanh nghiệp… Luật KDBH sẽ được sửa đổi, bổ sung, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy tính chủ động, sáng tạo của DNBH, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BH là môi trường thuận lợi để thị trường BH phát triển. Tầng lớp dân cư có thu nhập cao ngày càng đông đảo, bao gồm giới chủ DN tư nhân, các chuyên gia giỏi trong DNVN và DN có vốn đầu tư nước ngoài, các chủ hộ kinh doanh, các chủ trang trại đều có nhu cầu BH Nhân thọ cho mình và người thân. Bên cạnh đó cũng phải kể đến công tác tuyên truyền của ngành BH ngày một rộng rãi khiến nhận thức của người dân về BH cũng thay đổi.

Thuận lợi thì nhiều song khó khăn vì thế cũng không ít. Do số lượng các DNBH được cấp phép hoạt động ngày một gia tăng. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nếu đủ điều kiện, thạo luật định đều có quyền xin phép thành lập DNBH, trong đó có các DNBH nước ngoài theo đúng cam kết WTO. Điều này làm cho môi trường bảo hiểm vốn đã có sự cạnh tranh gay gắt nay càng gay gắt hơn, đặc biệt nguồn nhân lực luôn bị xáo trộn bởi sự trèo kéo của các DNBH mới.

DNBH hoạt động ở nước ngoài được cung cấp một số sản phẩm BH qua biên giới (vào Việt Nam): Đây là điều đáng lo ngại trong cuộc cạnh tranh không cân sức đối với các DNBH đang hoạt động tại Việt Nam (DNVN, liên doanh, 100% vốn nước ngoài). Trước hết, họ không thể biết được thông tin về đối thủ cạnh tranh của họ (DNBH đang hoạt động ở nước ngoài) cụ thể là ai đang bán sản phẩm BH vào Việt Nam. Thứ hai, vũ khí của đối thủ đang sử dụng là loại gì không được biết rõ: đơn BH, điều khoản BH, điều kiện BH, phí BH như thế nào? Thứ ba, DNBH đang hoạt động tại Việt Nam phải đóng thuế cho ngân sách nhà nước như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế sử dụng đất… để hoạt động kinh doanh có doanh thu từ Việt Nam, trong khi đó đối thủ không bị đóng góp các khoản thuế trên. Trong một cuộc chiến, “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. DNBH đang hoạt động ở nước ngoài biết rất rõ DNBH đang hoạt động tại Việt Nam, song DNBH đang hoạt động tại Việt Nam lại không biết gì về DNBH đang hoạt động tại nước ngoài. Đây thực sự là khó khăn và thách thức lớn.

Kênh phân phối sản phẩm BH đã bộc lộ nhiều yếu kém: Bảo hiểm sau một thời gian tăng trưởng nhanh đi cùng với tăng trưởng mở rộng kênh phân phối qua đại lý, có nghĩa là cứ tăng đại lý là có tăng doanh thu nên nhiều DN chưa chú trọng đến chất lượng tuyển chọn đào tạo và sử dụng đại lý. Rất may, những năm gần đây tăng trưởng bị chững lại, các DNBH đã nhận thức ra được vấn đề để quan tâm, đầu tư công sức hơn cho việc nâng cao chất lượng đại lý BH. BH phi nhân thọ vẫn giữ cung cách khai thác chủ yếu từ cán bộ BH, cạnh tranh về phí BH, tăng hoa hồng, tăng hỗ trợ cho đại lý, chưa xây dựng được đội ngũ đại lý BH phi nhân thọ mang tính chuyên nghiệp. Các công ty môi giới cạnh tranh lẫn nhau, làm việc thiếu chuyên nghiệp, tự ý bổ sung điều kiện, điều khoản BH, hạ phí BH gây bất lợi cho DNBH và thị trường BH.

Đầu tư công nghệ thiếu đồng bộ, kém hiệu quả: Hệ thống công nghệ thông tin của các DNBH chưa cập nhật được từng hợp đồng BH phát sinh, chưa phân loại được khách hàng, rủi ro BH, chưa phân tích đánh giá được nguyên nhân, mức độ rủi ro tổn thất, còn nhiều lỗ hổng để trục lợi BH. Chúng ta không thể chấp nhận được việc một xe ô tô bị tai nạn đã mua BH biết được biển số xe nhưng các DNBH đùn đẩy cho nhau và cho rằng mình không bán BH cho chiếc xe này. Điều này bộc lộ rõ sự yếu kém của các DNBH trong hệ thống công nghệ thông tin.

Cạnh tranh gay gắt chủ yếu bằng con đường hạ phí BH, không chú trọng nhiều đến dịch vụ chăm sóc khách hàng: Phí BH trên thị trường BHVN hiện nay được hình thành chủ yếu qua con đường cạnh tranh hạ phí phi kĩ thuật mà không quan tâm đến đối tượng BH như thế nào, mức độ rủi ro ra sao. Phí BH một khách sạn 5 sao chỉ tương đương với phí BH một chiếc xe ô tô trị giá 1 tỉ đồng là một điều phi lý mà trên thị trường vẫn có DNBH chấp nhận để giành bằng được dịch vụ BH. Một trong những nguyên nhân có nguồn gốc sâu xa là chế độ khoán tiền lương và chi phí theo doanh thu không chú trọng đến bồi thường có thể xảy ra (lời cam kết của DNBH đến khách hàng). Tình trạng này dẫn đến không những các DNBH cạnh tranh lẫn nhau mà còn có sự cạnh tranh giữa các chi nhánh trong cùng một DNBH. Chính vì vậy, việc quan tâm chăm sóc khách hàng cung cấp dịch vụ gia tăng bổ sung cho khách hàng cũng bị hạn chế.

 Việc giải quyết bồi thường còn nhiều vướng mắc: Trước hết, tính công khai minh bạch về hồ sơ, thủ tục giải quyết bồi thường chưa được thực hiện. Thứ hai, việc đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường giảm phiền phức cho khách hàng chưa được cải thiện rõ rệt. Thứ ba, còn nhiều vướng mắc trong việc thu thập hồ sơ chứng từ để giải quyết bồi thường cho nạn nhân khi những hồ sơ chứng từ này buộc phải lấy từ cơ quan có thẩm quyền như công an, bệnh viện. Thứ tư, việc tự quyết, tự chịu trách nhiệm của DNBH trong việc giám định bồi thường tổn thất chưa được phát huy và hay bị hình sự hóa. Thứ năm, các DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giám định và giải quyết bồi thường (trung gian giữa DNBH và khách hàng) chưa hoạt động có hiệu quả và phán quyết của họ nhiều khi không được pháp luật công nhận. Cuối cùng là chưa có biện pháp xử phạt thích đáng DNBH trong việc chậm trễ bồi thường cũng như xử phạt thích đáng các hành vi trục lợi BH.

Từ những thuận lợi và khó khăn trên, theo quan điểm cá nhân tôi, sự thành công của doanh nghiệp bảo hiểm trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Đương nhiên con người vẫn là chủ thể căn bản nhưng rõ ràng công nghệ thông tin có vai trò quyết định trong việc giảm chi phí quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Nhận thức rõ vấn đề này nên Công ty Bảo hiểm AAA đã đầu tư phần mềm Premia của tập đoàn cung cấp phần mềm bảo hiểm quốc tế 3i Infotech (công ty phần mềm trực thuộc một trong những Tập đoàn bảo hiểm nổi tiếng có trụ sở đặt tại Ấn Độ). PREMIA được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu Oracle kết hợp với dòng máy chủ hiện đại system-P của IBM tạo nên tính vững chắc, bền bỉ và tin cậy tuyệt đối cho người dùng. Tổng mức đầu tư cho phần  mềm này lên đến gần 4 triệu USD.

Người ta hay nói: “Không ai hiểu mình bằng mình”. Đây là lợi thế căn bản của các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài. Bằng chứng là sau hơn hai năm mở cửa thị trường bảo hiểm, đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ các công ty bảo hiểm Việt Nam đã cạnh tranh một cách ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài. Tính đến 6 tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn đang chiếm ưu thế, khẳng định được vị trí và giữ vững được thương hiệu trên thương trường.

Nguồn: Đỗ Thị Kim Liên/ Tổng Giám đốc Bảo hiểm AAA / VCCI

Thành viên Ban cố vấn www.vccinews.vn

http://vccinews.vn/?page=detail&folder=71&Id=1566